Bưu điện Việt Nam khai trương trung tâm vận chuyển 15.000m2
Các đại biểu cắt băng khai trương Trung tâm. |
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh, việc vận hành Trung tâm vận chuyển và kho vận phía Nam sẽ nâng cao sản lượng khai thác và chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốc độ tăng trưởng ngày càng cao của Bưu điện Việt Nam.
Việc Tổng công ty xây dựng và đưa vào vận hành trung tâm là minh chứng cho quyết tâm chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất trên cơ sở cơ giới hóa và tiến tới tự động hóa sản xuất, đồng thời tạo ra xung lực mới trong việc ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào khai thác sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ của Bưu điện Việt Nam.
Theo định hướng chiến lược đến năm 2025, Bưu điện Việt Nam sẽ xây dựng và đưa vào vận hành 7 Trung tâm khai thác vận chuyển vùng, hình thành 3 Hub lớn tại TP HCM, HN và ĐN.
Trung tâm phía Nam là trung tâm đầu tiên được triển khai, có nhiệm vụ khai thác, giao nhận vận chuyển các bưu phẩm, bưu kiện, báo chí... cho 23 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, 9 tỉnh miền Trung Tây Nguyên và khai thác cách vùng cho các tỉnh phía Bắc.
Trung tâm được đặt tại tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh, vị trí giao thông thuận lợi, nằm trên trục lộ cao tốc Bến Lức – Long Thành, kết nối với đường cao tốc Bắc – Nam và sân bay Long Thành.
Với diện tích sàn khai thác xây dựng 15.200m2, Trung tâm được đầu tư đồng bộ dây chuyền khai thác chia chọn tự động có công suất 18.000 bưu gửi/giờ và các công cụ, dụng cụ tối ưu cho hoạt động sản xuất như: xe lồng, xe nâng và các công cụ dụng cụ khác.
Ngoài ra, Trung tâm còn trang bị các thiết bị phục vụ công tác điều hành sản xuất, hệ thống camera giám sát… để hỗ trợ đảm bảo an toàn, an ninh cho sản xuất và công tác chia chọn, lưu thoát sản phẩm.
Cùng với việc đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, chuẩn hóa quy trình tổ chức sản xuất công nghiệp, Trung tâm đáp ứng được tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng trên 30%/năm và giảm 50% chi phí nhân công.
Bên cạnh đó, các hoạt động giao nhận, vận chuyển được thực hiện thông qua phương thức giao nhận bằng xe lồng đã giảm thời gian giao nhận, nâng cao hiệu suất của phương tiện, giảm tỷ lệ hàng hóa hư hỏng.