"Buôn vặt" lãi ngàn tỷ, làm ăn lớn tháo chạy, bán "con"
Bán gas lãi hơn làm ngân hàng
Theo con số mà Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) công bố về kết quả kinh doanh năm 2013,
PV Gas đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch, đặc biệt một số chỉ tiêu đã về đích trước thời hạn từ 2 đến 5 tháng. Cụ thể, sản lượng khai thác khí khô đạt 9.503 triệu m3, LPG đạt 1.002 ngàn tấn, doanh thu đạt 65.591 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 14.474 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 5.266 tỷ đồng.
Hiện giá cổ phiếu của PV Gas tăng cao và ổn định trên sàn giao dịch chứng khoán (giá trị vốn hóa trên thị trường gần 6 tỷ USD).
Kinh doanh gas được cho là siêu lợi nhuận khi mỗi bình gas bán lẻ mạng lại cho DN và đại lý từ 140.000 – 155.000 đồng/bình |
Tổng công ty Gas Petrolimex, kết thúc quý 3 thu lợi nhuận trước thuế hơn 87 tỉ đồng, vượt qua con số 67 tỉ đồng năm ngoái.
Lợi nhuận của một công ty sản xuất kinh doanh khí ngang ngửa với một ngân hàng cỡ vừa và vượt xa lợi nhuận cũng những ngân hàng nhỏ trong năm tài chính đầy thử thách này khiến doanh nghiệp các ngành khác thèm muốn.
Là mặt hàng đang được tự định giá, kinh doanh gas có mức lợi nhuận rất cao. Từ khâu nhập khẩu tới tay người tiêu dùng mang lại khoản lãi từ 140.000 – 155.000 đồng/bình cho doanh nghiệp, đại lý.
Buôn sữa lãi ròng ngàn tỷ
Trong lúc thị trường chồng chất khó khăn, các DN ngành thực phẩm, tiêu dùng lại ung dung đếm tiền chảy vào ngân quỹ. Điển hình là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk. Theo báo cáo quý 3 của Vinamilk, công ty này đã đạt 5.064 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 81% kế hoạch cả năm 2013, tăng 121 % so với cùng kỳ năm 2012.
Lợi nhuận ngàn tỷ của Vinamilk là điểm sáng ấn tượng trong khối DN có vốn nhà nước. |
Nếu tính riêng quý 3/2013, Vinamilk có doanh thu 8.028 tỉ đồng tăng 21,29% so với cùng kỳ năm 2012 (6.618 tỉ đồng). Lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt 1.690 tỉ đồng, tăng 21% so với quý 3/2012.
Báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2012 cho thấy, lợi nhuận sau thuế đạt 5.786 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2011.
Không chỉ chiếm thị phần áp đảo trong nước, sản phẩm của Vinamilk cũng tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ. Đầu quý 4, Vinamilk đã ký xong hợp đồng xuất khẩu cho cả năm 2013 với tổng trị giá 230 triệu USD (tương đương khoảng 4.700 tỉ đồng). Chín tháng đầu năm đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 3.354 tỉ đồng.
Đại gia Đặng Thành Tâm: Nợ đầm đìa
Đặng Thành Tâm (SN 1964) là một trong những doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam. Nắm trong tay các thương hiệu KBC (Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc), Saigontel và nhiều công ty lớn khác. Chủ tịch KBC từng được xem là một thế lực trên sàn chứng khoán Việt Nam. Những năm trước đây, ông thường xuyên có mặt trong Top 3 với khối tài sản khổng lồ, có thời điểm lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, cuối năm 2013, ông Đặng Thành Tâm thừa nhận sự thật "Hiện nay tôi cũng đang nợ đầm đìa, việc của tôi trong hai năm tới là phải trả hết nợ. Còn hàng chục nghìn nhân viên đang trông chờ vào tôi. Điều mà tôi quan tâm bây giờ, thứ nhất là phải trả hết nợ, phải lo đời sống cho công nhân được tốt hơn".
"Cũng phải nói thật, cuộc đời doanh nghiệp của mình cũng rất thăng trầm, cũng có lúc hoành tráng, nhưng cũng có lúc cực kỳ be bét, nói chung là đủ vị, đủ hương sắc. Người quản trị cũng thế, gọi là như một cuộc chiến phải trải qua tất cả những thất bại, thất bại tưởng như có thể chết đi được thì lúc đấy ta mới thấy được sự quý giá của cuộc sống và lúc ấy người ta mới trân trọng quyết định, mới thực sự lắng nghe người khác".
Ngân hàng lãi âm
Cùng làn sóng sáp nhập, đổi chủ bi đát cảu khối ngân hàng 2 năm nay, nhiều người không bất ngờ khi VIB bank công bố lợi nhuận trước thuế quý 3 của VIB âm 203 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2013, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 26 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ và tương đương chỉ 2% kế hoạch năm.
Trên website của ngân hàng này, giới thiệu VIB là một trong những NHTM hàng đầu Việt Nam, VIB đang nỗ lực để trở thành "Ngân hàng luôn sáng tạo và hướng tới khách hàng nhất tại Việt Nam".
Xu hướng tháo chạy, "bán con"
Năm 2013, bầu Đức tuyên bố "tháo chạy" khỏi BĐS để chuyên tâm làm cao su, mía đường... Cuối năm, giới đầu tư được mời sang Lào và đi Tây Nguyên để mục sở thị tiềm năng nông nghiệp của đại gia này, như một cách chứng minh cho tiếp sau "sự chạy trốn đúng đắn" là sự chuyển hướng có tính toán và hiệu quả.
Năm bết bát nhất của ngành BĐS, vì đó, các DN vật liệu xây dựng cũng không thể thoát khỏi "vòng kim cô" điêu đứng. Quốc Cường Gia Lai cũng tụt dốc khi cầm cố mọi tài sản lớn để cầm cự trong thời điểm kinh doanh xuống dốc.
Chủ đầu tư không đủ sức duy trì buộc phái "bán con" là trường hợp Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) bán 70% vốn điều lệ của CTCP Xi măng Cẩm Phả, đơn vị do Vinaconex sở hữu gần như toàn bộ vốn, kèm theo bán nợ.
Nói như một DN ngành BĐS là "thị trường này đã đổ vỡ mất rồi, người dân không có tiền và có nhu cầu nữa, nên đây chính là kết quả tất yếu, vì thực tế bây giờ chẳng còn tín hiệu gì cả, nó đã là thực tế, là sự đổ vỡ rồi".