Buộc công khai hoa hồng, lót tay trong mua sắm tài sản công
Ông Nguyễn Tân Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) khẳng định như vậy tại cuộc họp về việc mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung, diễn ra chiều 28/4.
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, việc mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung được áp dụng theo quy định tại Quyết định 08/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 35/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo các quy định này, đơn vị mua sắm tập trung gồm đơn vị mua sắm tập trung quốc gia và đơn vị mua sắm tập trung tại các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, các tỉnh...
Các khoản chi hoa hồng, lót tay trong mua sắm công có dễ dàng công khai? |
Nguồn kinh phí mua sắm tập trung chủ yếu đến từ nguồn công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu địa phương; nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, nguồn viện trợ, tài trợ....
Đáng chú ý, ông Thịnh nhấn mạnh, việc mua sắm tài sản Nhà nước sẽ buộc phải công khai nhu cầu mua sắm, gồm số lượng, chủng loại tài sản mua sắm; dự toán mua sắm, nguồn vốn mua sắm tài sản.... Trong đó, các khoản hoa hồng, chiết khấu, khuyến mãi (nếu có) khi thực hiện mua sắm cũng sẽ buộc phải công khai.
Giải thích rõ hơn về việc công khai các khoản chi hoa hồng, lót tay trong mua sắm tập trung, trả lời câu hỏi của Infonet, ông Thịnh cho hay, các nhà cung cấp thường có chế độ khác nhau với khách hàng kể cả mua sắm tài sản tập trung hay riêng lẻ.
Ông Thịnh cũng nhấn mạnh rằng, không phải tới giờ mới yêu cầu công khai khoản này, mà trong Nghị quyết Trung ương 3 đã yêu cầu công khai các khoản hoa hồng, chiết khấu, khuyến mãi...
“Đối với các khoản khuyến mãi, chiết khấu... đều được các nhà cung cấp, đại lý công khai ngay khi báo giá, vì thế chỉ còn các khoản chi hoa hồng, lót tay khi mua sắm tài sản Nhà nước. Tới đây, khi thực hiện việc mua sắm tập trung, đầu mối mua sắm sẽ giảm đi và chỉ tập trung về một số đơn vị. Do đó, hoàn toàn có thể công khai và kiểm soát các khoản chi phí hoa hồng, lót tay này” – Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản lạc quan.
Ông Thịnh cũng bổ sung thêm, các khoản chi hoa hồng, lót tay... khi được không khai thì theo quy định tại Thông tư 35 của Bộ Tài chính, sẽ được nộp về ngân sách Nhà nước, chứ không để lại đơn vị mua sắm tài sản.
Theo số liệu từ Cục Quản lý công sản, mỗi năm mua sắm tài sản công “ngốn” khoảng 200.000 tỷ đồng ngân sách. Vì thế, việc áp dụng phương thức mua sắm tài sản Nhà nước tập trung được cơ quan quản lý ngân sách quốc gia kỳ vọng sẽ tiết giảm được tối đa chi phí tiêu chuẩn định mức và mua sắm xa xỉ tại nhiều bộ, ngành, địa phương.
“Theo kinh nghiệm từ các nước, áp dụng phương thức mua sắm tài sản Nhà nước tập trung có thể tiết kiệm được từ 10-17% tổng giá trị mua sắm”- ông Nguyễn Tân Thịnh nêu.
Về tình hình triển khai mua sắm tập trung cấp quốc gia, hiện Bộ Tài chính đang xem xét, giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc). Cơ quan này cũng đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổng hợp nhu cầu mua sắm tài sản tập trung cấp quốc gia về Bộ trước ngày 30/5/2016.
Riêng với việc mua sắm tập trung cấp Bộ, ngành Trung ương, địa phương, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị công bố danh mục, nhu cầu mua sắm tập trung tài sản trước ngày 21/3. Tuy nhiên, tới thời điểm này các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa gửi báo cáo về Bộ.