"BOT bây giờ bị xem như tội đồ. Bọn tôi gục hết rồi"
Trạm cầu Rác để hoàn vốn cho BOT, đoạn đường tránh TP.Hà Tĩnh |
PV Infonet đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với một lãnh đạo Công ty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà xung quanh việc thu phí BOT Cầu Rác đang gây bức xúc cho người dân trong thời gian qua.
Khi PV hỏi đến nguồn thu mỗi tháng tại cầu Rác, “Việc thu bao nhiêu tiền mỗi tháng tại cầu Rác, chỉ cần hỏi Cục thuế Hà Tĩnh là chính xác, mỗi tháng công ty đóng bao nhiêu tiền thuế VAT là ra ngay”, vị này nói.
“Rơi rớt trên dưới 16-17 tỷ đồng/tháng. Nhưng tất cả số tiền chúng tôi đều chuyển về Tổng công ty chứ không hề giữ một đồng nào cả”.
Khi PV hỏi, có một nguồn tin cho rằng, Cầu Rác là nguồn sống của Tổng công ty, vị lãnh đạo này cho biết: “Tôi cũng chả rõ nữa, tầm như chi nhánh của bọn tôi chỉ đi làm thuê cho Tổng công ty. Làm công ăn lương, mỗi tháng vài triệu là hết. Ngoài lương ra không có gì thêm, Tết thì được thêm 5 triệu” – ông không ngần ngại nói ra.
Vị này cũng tiết lộ thêm: “Và cô biết đó, lương chỉ được tạm ứng 80%, chứ có được hưởng theo Nghị định 50, 51, có được thanh toán 100% như các Công ty Cổ phần đâu? Bọn tôi chỉ được tạm ứng lương, chứ không được thanh toán lương. Vì vậy, một năm mới được quyết toán”.
“Đã khó thì lại càng khổ, 3 tháng này tôi có lương đâu?” - ông thẳng thắn nói.
Liên quan đến trạm thu phí Đèo Ngang (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) vừa rồi, sau khi người dân phản ánh, cơ quan nhà nước phát hiện, Sông Đà đã hoàn vốn và thu lãi về hơn 200 tỷ đồng, ngay sau đó buộc phải đình chỉ thu. “Việc đó, không liên quan tới chúng tôi. Do Tổng công ty và Tổng cục Đường bộ quyết định”- ông nói.
Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh TP. Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) có chiều dài 16km, đầu tư theo hình thức BOT. Tổng công ty Sông Đà chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 808 tỷ đồng. Địa điểm xây dựng: Huyện Thạch Hà, huyện Cẩm Xuyên và thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Phạm vi dự án: Điểm đầu giao với QL1 tại Km504+400; Điểm cuối giao với QL1 tại KmKm517+900. Trạm thu phí cầu Rác xây dựng để hoàn vốn cho công trình đường giao thông tuyến đường tránh TP và cầu Rác, do Cục Đường bộ quản lý.
Về cuộc họp sáng nay 21/4 với UBND huyện Cẩm Xuyên và đại diện nhân dân. Cuộc đối thoại này, công ty sẽ hứa gì với dân? Ông cho biết: “Phía chi nhánh đã báo cáo với Tổng công ty để mong họ đưa ra phương án giải quyết cụ thể ra sao, chứ thế này mệt cho chúng tôi quá”.
“Việc dân phản ánh, tập trung hai đầu trạm thu phí BOT vào ngày 16/4, yêu cầu doanh nghiệp phải miễn 100% phí khi qua trạm. Tôi nói với cô rồi, chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất giảm 50% cho các phương tiện cho người dân địa phương. Việc còn lại là của Bộ GTVT quyết, phía công ty không thể quyết định được” – ông nói thêm.
Khi nói đến “lợi ích nhóm”, lợi nhuận tại trạm BOT, vị này bức xúc nói: “Còn dư luận nói BOT cầu Rác ăn dày hay ăn mỏng, cô chỉ cần xem Clip của anh Dũng bên Chủ tịch Tecco, buổi tọa đàm với Báo Tiền Phong, lãi chỉ 11-12%, còn nữa đi trả nợ ngân hàng. Rồi phải bỏ tiền ra duy tu sửa chữa, thu phí hết. Dày mỏng gì đây, tôi không hiểu mọi người suy nghĩ gì về BOT nữa?”.
Người dân gửi hàng trăm lá đơn kiện ra tổng công ty, yêu cầu miễn phí 100% |
Vậy, cung đường tránh TP.Hà Tĩnh đã hoàn vốn chưa? (PV hỏi), ông cho biết là chưa. “Bây giờ vẫn đang nợ ngân hàng 251 tỷ đồng. Phải trả nợ đã. Mà hợp đồng ký với ngân hàng là 10 năm cộng với 2 năm ân hạn là 12 năm.
Tức là, nhà đầu tư phải ưu tiên trả nợ ngân hàng trước, sau đó cái phần cuối cùng chủ đầu tư mới được hưởng. Chỉ những năm cuối đời của dự án mới có lợi nhuận. Ví dụ, dự án 15 năm thì 2 năm cuối mới có khoảng thu để tích lũy lợi nhuận để hoàn trả phần vốn cộng thêm phần lợi nhuận (tương đương 11-12%/tổng số vốn bỏ ra). Dự án bỏ ra 100 tỷ thì đến thời điểm cuối sẽ được cộng thêm 12 tỷ. Chỉ có vậy thôi” – ông giải thích thêm.
Về phương án miễn giảm phí BOT ông này nói: “Bây giờ, quan trọng nhất là để Bộ GTVT giải quyết thế nào, chính quyền tỉnh đề xuất ra sao, để doanh nghiệp có phương hướng thực hiện. Chứ giờ đi họp họ nhìn BOT méo mó lắm, giống như tội đồ”.
Trước đó, như Infonet đã có loạt bài thông tin về việc người dân bức xúc khi không tham gia đường BOT mà vẫn phải đóng phí cao tại trạm cầu Rác.
Được biết, sáng nay 21/4, UBND huyện Cẩm Xuyên, nhà đầu tư Sông Đà, đại diện nhân dân sẽ có buổi đối thoại trực tiếp để giải quyết những vướng mắc cũng như đề ra phương án miễn giảm phí tại trạm cầu Rác.
Tại toạ đàm “Giải pháp nào giải quyết bất cập về trạm thu phí” do Báo Tiền phong tổ chức ngày 19.4, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ đối tác công tư – cơ quan tham mưu quản lý các dự án BOT của Bộ GTVT cho hay, sẽ soạn thảo một chính sách toàn diện về miễn, giảm phí cho người dân gần các trạm thu phí. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, ý kiến của Bộ GTVT là không có cơ sở pháp lý; cần có giải pháp chấm dứt tình trạng các trạm BOT đặt “nhầm chỗ”, buộc người dân dù không sử dụng công trình BOT cũng phải nộp phí