Bóng đá bắt nguồn từ Trung Quốc?
Bóng đá bắt nguồn từ Trung Quốc?
Ai đã phát minh ra bóng đá? Đó là một câu hỏi thu hút sự tranh luận của đông đảo mọi người tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi các quy tắc, luật lệ của môn thể thao này chưa có 200 năm tuổi thì hầu hết mọi người đều tin rằng, bóng đá đã ra đời từ trước đó rất lâu. Theo Sepp Blatter, chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) thì Trung Quốc có thể là nơi khai sinh, với Linzi, thủ đô của quốc gia cổ đại Qui là nơi chơi môn thể thao này đầu tiên.
Khung thành trong môn "cuju" là một vòng tròn được đặt trên cao như trong ảnh |
Thực tế Liên đoàn bóng đá Trung Quốc được thành lập năm 1924, chậm hơn một số quốc gia tại châu Á khác, nhưng trước đó từ rất lâu quốc gia này đã phát triển rất mạnh môn “cuju” với nghĩa đen được dịch là “quả bóng đá bằng chân”. Bằng chứng? Đã có ít nhất hai tài liệu lịch sử đáng tin cậy miêu tả một trò chơi giống như bóng đá hiện đại từ sau thời Chiến Quốc (từ năm 476-221 trước Công nguyên). Ở trò chơi này, hai đội sẽ tranh giành một quả bóng (được nhồi bằng lông và tóc) trên một mặt sân, cố gắng để giữ quyền kiểm soát quả bóng và ghi bàn không cho đội kia đoạt lại. Tuy nhiên, điểm khác là dù có “trọng tài” điều khiển trận đấu nhưng “cuju” không có quy định chặt chẽ về việc sử dụng tay của người chơi.
Thời đó “cuju” phổ biến như bóng đá bây giờ, vượt qua những định kiến về giai cấp, tầng lớp hay giới tính. Lúc đầu trong thời nhà Hán (năm 206 trước Công nguyên đến 220 sau Công nguyên), nó được xem là một bài tập luyện của quân đội, tăng sức khỏe cho các binh sĩ, đi kèm với những bài giảng về lý thuyết quân sự, cũng như tránh cho họ bị tê liệt chân sau một ngày cưỡi ngựa vất vả. Dần dần môn thể thao này đã thu hút được sự tham gia của tầng lớp thượng lưu và họ đã dàn dựng như một trò tiêu khiển trong các buổi quốc tiệc.
Thời đó các Hoàng đế Trung Quốc đặc biệt mê môn “cuju” này đến mức ai chơi xuất sắc ở môn này sẽ được hưởng rất nhiều đặc quyền. Tài liệu lịch sử đã ghi lại, một người có tên là Gao Qui trong thế kỷ 12 nhờ những màn biểu diễn đẹp mắt đã thăng tiến rất nhanh trong quân đội từ chỗ chỉ là một lính quèn. Bên cạnh đó, môn thể thao này cũng đánh dấu sự thắng lợi cho nữ quyền, vượt qua hàng loạt rào cản trong quan niệm đạo đức truyền thống của Trung Quốc. Một số người trong họ đã trở thành người chơi chuyên nghiệp giỏi đến mức một cô gái 17 tuổi đã từng đánh bại một đội bóng gồm toàn nam. “Cuju” tiếp tục phát triển thịnh vượng và lan sang các nước khác như Nhật Bản, Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời nhà Minh (từ năm 1368 đến 1644) môn thể thao này đi vào chỗ suy vong để lại một mối liên kết mong manh với bóng đá hiện đại.
Trung Quốc tuy có một nền bóng đá non trẻ nhưng được FIFA công nhận là quê hương của môn bóng đá |
Một số nhà sử học cho rằng “cuju” lan sang phương Tây thông qua con đường tơ lụa, chủ yếu ở Ai Cập, Rome, Pháp và phần còn lại của thế giới. Nhiều người hoài nghi về giả thuyết này. Nhưng có một thực tế là các phiên bản của “cuju” được chơi ở Ai Cập cổ đại, La Mã hay Hy Lạp cổ đại không khác tại Trung Quốc là mấy.
Năm 2004, FIFA đã chính thức công nhận Trung Quốc là cái nôi của bóng đá với tiền thân là môn “cuju” mặc dù không có nhiều bằng chứng khoa học chứng thực. Có thể cuộc tranh luận xem nơi nào mới là quê hương của môn bóng đá sẽ còn kéo dài mãi mãi nhưng có một thực tế Trung Quốc là nơi khai sinh không ít môn thể thao hiện đại. Chẳng hạn như môn “chuiwan” có từ thế kỷ thứ 10 là tiền thân của môn golf hay môn “jiju” có từ thời nhà Đường (năm 618 đến 907) chơi với ngựa và cái vồ là tiền thân của môn polo ngày nay.
NGUYỄN ĐĂNG