Bộ Y tế không có tiền xây bệnh viện
Cần thời gian
Bộ trưởng Kim Tiến cho biết:
Trong một thời gian ngắn, ngành y tế đã cho ra đời nhiều chính sách để giảm tải bệnh viện, tình hình cũng đã được cải thiện nhiều. Bệnh viện K đã đưa cơ sở mới vào hoạt động với gần 1.000 giường bệnh, bệnh viện Nội tiết cũng vậy.
Nhờ cơ sở 2 mà điều kiện khám chữa bệnh, điều trị của bệnh nhân như được “đổi đời” so với chỗ cũ. Hay như khoa tim mạch, khoa khám bệnh của bệnh viện Bạch Mai cũng khác hẳn, phòng ốc khang trang, có máy lạnh, có ghế ngồi đầy đủ.
Nhưng tình hình thực tế vẫn rất quá tải, bệnh nhân vẫn phải nằm đôi, nằm ba, có nơi nằm gầm giường?
Phòng nội trú lấy đâu mà giảm tải được khi chưa xây mới bệnh viện? Đề án bệnh viện vệ tinh mới được phê duyệt phải có thời gian tập rượt và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho bệnh viện tỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Giảm quá tải yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, làm sao ngành y tế tự làm ra được nhà, trang thiết bị, trong khi giá dịch vụ thì không cho tăng?Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ví dụ bệnh viện tỉnh Ninh Bình, Phú Thọ, Hòa Bình, Nghệ An làm được thì tới đây bệnh nhân không chuyển lên tuyến trên nữa. Cũng phải mất một vài năm mới phát huy tác dụng. Những bệnh viện đó sẽ làm những kỹ thuật tương đương bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức thì tuyến trên sẽ hạ nhiệt.
Từ lúc giải phóng đến bây giờ cả Hà Nội mới xây thêm được bệnh viện Thanh Nhàn và Phụ sản Hà Nội thôi, trong khi dân số lên gấp đôi, gấp ba, rất đông. Số giường bệnh trên vạn dân của mình rất thấp, chỉ 22,5 giường bệnh/vạn dân, trong khi ở các nước khác là 40, 80, thậm chí 120 giường/vạn dân.
Mình Bộ Y tế không làm được
Chuyện quá tải không còn mới. Nếu trong kỳ họp này, QH đưa ra câu hỏi bao giờ mới chấm dứt quá tải thì Bộ trưởng trả lời ra sao?
Câu hỏi đó cũng phải dành cho Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Bộ Y tế không một mình giảm tải bệnh viện được vì Bộ không có tiền xây dựng bệnh viện, không có tiền mua trang thiết bị y tế.
Nhưng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 cho thấy ngành y tế không tiêu hết tiền, chỉ dùng hết 89,1% so với kế hoạch. Bộ trưởng giải thích thế nào về điều này?
Khoản dư đó có thể nằm ở chỗ BHYT. Còn đầu tư cơ sở hạ tầng thì gần như quyết toán hết, trái phiếu thì bị cắt bớt nhiều, các địa phương đều siết chặt đầu tư do chủ trương tiết kiệm trong giai đoạn khủng hoảng, nhiều công trình dở dang vì hết tiền, nguồn ngân sách không có thì phải dừng các công trình này lại.
Hiện nay, toàn bộ tuyến tỉnh mới cấp được 30% tổng số vốn theo nhu cầu, huyện mới gần 80%. Nguyên nhân do khủng hoảng kinh tế, nước mình còn nghèo. Tuyến Trung ương sắp tới mới được đầu tư nâng cấp.
Trong hoàn cảnh này, Bộ Y tế sẽ ngồi chờ nguồn vốn hay sẽ có cách tính toán nào khác để huy động vốn để nâng cấp cơ sở vật chất, nâng chất lượng khám chữa bệnh?
Chúng ta đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dù mới chỉ tính chi phí trực tiếp, chưa tính đúng tính đủ. Người dân trước phải mua ngoài rất nhiều, những cái đó giờ có trong giá dịch vụ thanh toán hết rồi. Theo chỉ thị của Bộ Y tế, các giám đốc bệnh viện đều đã trích tiền từ việc tăng giá dịch vụ để cải thiện khoa khám bệnh, sắm thêm quạt, mua thêm giường bệnh.
Về trái phiếu Chính phủ cho Y tế sẽ có đề nghị, nhưng có được chấp nhận hay không thì chưa biết. Giảm quá tải yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, làm sao ngành y tế tự làm ra được nhà, trang thiết bị, trong khi giá dịch vụ thì không cho tăng?
Ngành Y tế muốn đổi mới toàn diện về cơ chế tài chính theo định hướng XHCN, không cổ phần hóa bệnh viện, giá dịch vụ y tế do Nhà nước quản lý, BHYT vẫn phải lo cho dân.
"Tuyến dưới ngồi chơi hết à?"
Nhiều ĐBQH lo lắng vấn đề chuyển tuyến và đăng ký khám chữa bệnh hiện nay sẽ dồn phần khó về phía người bệnh khi phải đăng ký khám chữa bệnh theo phân bố hành chính. Quy trình chuyển tuyến cũng rất nhiêu khê, nếu ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Bộ trưởng có thể nói rõ về điều này?
ĐBQH hỏi như vậy rất chính đáng, nhưng nếu bệnh nhân ở TP.HCM đăng ký khám hết ở bệnh viện tuyến cuối cùng thì tuyến dưới ngồi chơi hết à? Trong khi bệnh chỉ có cảm cúm thôi.
Luật Khám chữa bệnh và BHYT do chính QH xây dựng, quy định người dân có quyền tự do lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh. Nhưng ở nước nào cũng thế, thậm chí khám qua bác sỹ gia đình và muốn chuyển lên tuyến trên cũng phải có giấy giới thiệu mới được vượt tuyến. Một xã hội phát triển hài hòa thì phải nhìn chung như thế.
Nguồn: Cẩm Quyên(Vietnamnet)