Bộ TT&TT nên cấp phép thử nghiệm 5G trong năm 2019 để các nhà mạng không bị chậm trễ
Ông Lưu Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom |
Đây là những kiến nghị được ông Lưu Mạnh Hà nêu ra trong phiên hội thảo chuyên đề "Giải pháp và dịch vụ số với công nghệ 4G/5G" trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT&TT Việt Nam (Vietnam ICT Investment Forum - VIIF) 2018 kết hợp với Triển lãm India - ASEAN ICT Expo được Bộ TT&TT chủ trì tổ chức trong 2 ngày 27 – 28/9 tại Hà Nội.
Theo ông Lưu Mạnh Hà, dưới góc độ của một nhà mạng, “Viettel coi IoT như một kỳ vọng và một tiềm năng lớn.”
Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom cho hay, trên thế giới, doanh thu của các dịch vụ viễn thông truyền thống đang suy giảm rất nhanh. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, doanh thu của các dịch vụ viễn thông truyền thống gần như đứng yên thậm chí là sụt giảm. Tỷ lệ người dùng trên dân số hiện nay gần như đã bão hòa. Do vậy, IoT là nguồn doanh thu mới bù vào phần doanh thu bị suy giảm của các dịch vụ truyền thống.
Doanh thu của IoT tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây, các thiết bị IoT cũng đang tăng trưởng rất nhanh. Không những thế, ông Lưu Mạnh Hà cũng cho rằng: “IoT cũng sẽ khiến quyền lực về tay các nhà khai thác. Đặc biệt, với IoT, chúng ta sẽ có rất nhiều dữ liệu và dữ liệu này như nguồn dầu mỏ quý báu.”
Đối với Viettel, 6 lĩnh vực có tiềm năng trong triển khai IoT đó là: các ứng dụng trong công nghiệp; giao thông (với các ứng dụng trong giám sát hành trình); sức khỏe, nông nghiệp, thành phố thông minh, nhà thông minh.
Trả lời câu hỏi Viettel đã thử nghiệm gì cho IoT, ông Lưu Mạnh Hà cho biết: ngay từ đầu, Viettel xác định đối với IoT thì vấn đề quan trọng nhất là hạ tầng.
Hiện nay, Viettel là nhà mạng viễn thông lớn nhất Việt Nam. Ngoài 2G/3G, 4G cũng đang được Viettel triển khai rất rộng. Đến hiện tại, số trạm phủ 4G của Viettel đang dẫn đầu trong các nhà mạng. Tính về IoT, Viettel cũng chiếm 90% doanh số, riêng data chiếm tới 95% doanh số. Dự kiến trong quý I/2019, Viettel cũng sẽ hoàn thiện platform của IoT.
Viettel hiện cũng có các công ty ứng dụng IoT trong các lĩnh vực khác nhau để tạo ra thành một hệ sinh thái cho IoT từ thiết bị, hệ thống cung cấp các nền tảng đám mây và phân tích dữ liệu; giải pháp và ứng dụng IoT cho thành phố thông minh hay an ninh mạng – vấn đề quan trọng của IoT. Ngoài ra, Viettel cũng xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp IoT của Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng về các startup về IoT.
Ông Lưu Mạnh Hà cũng đề xuất, khi IoT bùng nổ, số lượng trạm phát sóng sẽ tăng lên rất nhiều lần. Vì vậy, sẽ đặt sức ép triển khai lên các nhà cung cấp dịch vụ. Triển khai hạ tầng không thể nhanh được và cần sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan quản lý để xây dựng hạ tầng viễn thông đồng bộ với các hạ tầng công cộng khác.
Ông Lưu Mạnh Hà cũng cho rằng, để đảm bảo cho IoT thì Bộ TT&TT cũng sớm cấp phép thêm băng tần để có thêm dung lượng cho IoT sẵn sàng bùng nổ. Đồng thời, trong 2019, Bộ cũng nên cấp phép cho thử nghiệm 5G để các nhà mạng không bị chậm trễ trong làn sóng 5G.