Bộ TT&TT đề xuất sử dụng thiết bị truyền hình bảo đảm an ninh mạng
Bộ TT&TT đề xuất sẽ bổ sung quy định về bảo đảm an ninh mạng đối với thiết bị truyền hình. Ảnh có tính minh họa. |
Tại tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 mới đây, Bộ TT&TT đã đề xuất bổ sung thêm yêu cầu sử dụng thiết bị đảm bảo an ninh mạng. Bộ TT&TT đưa ra đề xuất này căn cứ Công văn số 2417/VPCP-KGVX ngày 16 tháng 3 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về Đề án số hóa truyền hình Việt Nam, Bộ TT&TT đã sửa đổi, bổ sung như sau: “Xây dựng, ban hành và áp dụng thống nhất tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật truyền hình số mặt đất DVB-T và các phiên bản tiếp theo đối với các máy phát, máy thu truyền hình số, đầu thu truyền hình số. Quy định, hướng dẫn việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với việc sử dụng thiết bị phát, thu truyền hình số mặt đất”.
Đồng thời, Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh giảm tỷ lệ phủ sóng truyền hình số mặt đất của Giai đoạn đến 2020 từ 80% xuống 70%. Theo Quyết định 2451/QĐ-TTg, mục tiêu tới năm 2015 phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh truyền hình thiết yếu tới 60% dân cư; tới năm 2020 phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh truyền hình thiết yếu tới 80% dân cư. Tuy nhiên, do tại các Giai đoạn III, IV có nhiều tỉnh thuộc khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa sẽ phải sử dụng kết hợp số hóa truyền hình mặt đất với phủ sóng truyền hình qua vệ tinh, vì vậy một số khu vực sẽ được chuyển sang sử dụng truyền hình vệ tinh thay cho truyền hình mặt đất.
Ước tính tổng dân số tại các địa bàn được phủ sóng truyền hình số mặt đất chiếm tỷ lệ 70% dân số cả nước. Vì vậy, Bộ TT&TT đề xuất sửa đổi mục tiêu phấn đấu phủ sóng truyền hình số mặt đất của giai đoạn đến 2020 là “phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh truyền hình thiết yếu tới 70% dân cư”.
Cùng với đó, Bộ TT&TT đề nghị bỏ nội dung sử dụng kinh phí đấu giá tần số để thực hiện kế hoạch số hóa truyền hình mặt đất. Tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính về vấn đề này, cụ thể: theo quy định tại Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg ngày 08/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì tiền thu được từ đấu giá nộp ngân sách nhà nước. Ưu tiên sử dụng số tiền này để phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, phổ cập dịch vụ viễn thông, phát thanh truyền hình theo các Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, Bộ TT&TT tiếp thu ý kiến và bỏ quy định về sử dụng một phần kinh phí thu được từ đấu giá tần số vô tuyến điện để thực hiện kế hoạch số hóa truyền hình mặt đất.
Theo lộ trình của Đề án Số hóa truyền hình, năm 2018 các tỉnh thuộc nhóm III của Đề án Số hóa truyền hình sẽ thực hiện số hóa truyền hình số mặt đất theo lộ trình, bao gồm 12 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng và Ninh Thuận (từ nhóm II chuyển sang). Các tỉnh này sẽ thực hiện tắt sóng truyền hình analog vào ngày 31/12/2018.
Trước đó, 6 tỉnh thuộc nhóm III của Đề án đã thực hiện số hóa truyền hình trước thời hạn 1 năm là Bình Phước, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, 7 tỉnh nhóm III này đã tắt sóng truyền hình analog vào ngày 31/12/2017 vừa qua. Riêng Tây Ninh sẽ tắt sóng trong quý 1 năm 2018.
Để chuẩn bị cho việc tắt sóng truyền hình analog tại 12 tỉnh, từ nay đến cuối năm 2018, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất toàn quốc và khu vực có trách nhiệm triển khai và hoàn thành việc xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại các tỉnh thuộc nhóm III để chuyển tải các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của các đài truyền hình rung ương và địa phương trên địa bàn.