Bộ trưởng Xây dựng: Bất động sản VN có sức hút đặc biệt
Sáng 6/9, Hội nghị Bất động sản Quốc tế IREC 2018 đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) thu hút khoảng 300 khách quốc tế cùng hàng ngàn đại biểu trong nước tham dự.
Hội nghị Bất động sản Quốc tế IREC 2018 thu hút đông đảo khách quốc tế và trong nước tới tham dự. |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm tạo lập hành lang pháp lý để người nước ngoài được mua, sở hữu BĐS tại Việt Nam; luôn coi trọng, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tham gia phát triển thị trường BĐS theo pháp luật Việt Nam và các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng nhấn mạnh việc Việt Nam luôn quan tâm tới việc huy động nguồn lực quốc tế trong phát triển đất nước nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Đến nay, Việt Nam đã thu hút được hơn 25.500 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 320 tỷ USD đến từ 126 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, BĐS có sức hút đặc biệt, luôn đứng ở vị trí thứ 2, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, Hà Nội chắc chắn sẽ trở thành một địa chỉ đỏ thu hút các nhà tư BĐS trong và ngoài nước. |
Bộ trưởng đánh giá, Hội nghị Bất động sản Quốc tế IREC 2018 không những là cơ hội kết nối, xúc tiến đầu tư, trao đổi kinh nghiệm và đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa cộng đồng các nhà phát triển BĐS Việt Nam với quốc tế mà còn là một cơ hội tốt để chúng ta giới thiệu, quảng bá về tiềm năng phát triển, về đất nước con người Việt Nam nói chung và thị trường BĐS Việt Nam nói riêng.
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định, Hà Nội đã và đang là địa phương có thị trường BĐS sôi động và lớn mạnh nhất tại Việt Nam. Thời gian tới, ngoài phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông, hạ tầng, xây dựng thêm nhiều các khu đô thị mới, Hà Nội sẽ còn đẩy mạnh tái thiết, cải tạo chỉnh trang khu vực nội đô và mở rộng các khu vực phát triển mới của Thủ đô theo hướng hình thành đô thị bền vững nhằm trở thành thành phố đáng sống với các giá trị và tiêu chí: Xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.
Theo đó, Hà Nội sẽ cần rất nhiều nguồn lực và kinh nghiệm cho đầu tư phát triển và chắc chắn sẽ trở thành một địa chỉ đỏ thu hút các nhà tư BĐS trong và ngoài nước.
Ông Daniel Kristenblink, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho rằng, dựa trên hợp tác giữa 2 quốc gia, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đã có nhiều cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
Theo đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cùng lãnh sự Hoa Kỳ đã đến các thành phố của Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam và để phát triển bất động sản, cần có sân chơi bình đẳng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo báo cáo của JLL Việt Nam về dòng vốn FDI 10 năm qua, tính đến hết năm 2017 tổng vốn đăng ký đầu tư xấp xỉ 318,72 tỷ USD, trong đó, lĩnh vực bất động sản (BĐS) đạt 53,2 tỷ USD.
Đáng chú ý, lượng FDI vào Việt Nam trong ba năm gần đây (2015-17) không ngừng tăng so với giai đoạn giảm liên tiếp 2010-13 và phần lớn vốn được triển khai vào các dự án.
Trong nhiều năm qua, ngành sản xuất - chế biến và chế tạo luôn là lĩnh vực thu hút được lượng FDI nhiều nhất trong tỷ trọng đầu tư FDI vào Việt Nam, BĐS thường đứng ở vị trí thứ hai hoặc thứ ba.
Dẫn đầu là các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hongkong, Đài Loan và Trung Quốc; chiếm 73,9% trong tổng FDI của tất cả các ngành công nghiệp bao gồm BĐS.
Nhà đầu tư Mỹ cũng nắm vai trò quan trọngvới vị trí thứ ba trong tổng vốn đầu tư FDI tại thị trường Việt Nam. Mặc dù không có thống kê chính thức về vốn FDI đầu tư vào BĐS từ các quốc gia, có thể thấy rằng, nhà đầu tư khu vực châu Mỹ hiện đang rất năng động.
Trong đó, điển hình là quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus có trụ sở tại New York, đã cam kết rót hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam, phần lớn dòng vốn này đã được phân bổ đầu tư vào các danh mục BĐS bao gồm thương mại, khách sạn, và công nghiệp.