Bộ trưởng Tư pháp: 'Năm 2013 sẽ thanh tra hoạt động công chứng'
Thời gian qua các phòng công chứng đang ngày một nở rộ, thực tế này đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy đáng tiếc. Từ thực tế đó, tại chương trình Dân hỏi Bộ trưởng Trả lời tối 20/1, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời những thắc mắc xoay quanh vấn đề này.
Trả lời nhiều ý kiến thắc mắc về việc cùng một loại giao dịch mua bán nhà ở nhưng lại được thực hiện với các mức phí rất khác nhau, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, pháp luật đang cho phép người dân được lựa chọn, chỉ chứng nhận chữ ký, hoặc thực hiện công chứng. Với trường hợp công chứng, công chứng viên phải chứng nhận tính hợp pháp, nhằm tăng cường tính pháp lý cho hợp đồng mua bán. Khi công chứng người dân sẽ nhận được sự an toàn cao hơn về tính pháp lý. Đương nhiên khi hai hoạt động khác nhau sẽ dẫn đến chi phí khác nhau.
Trong 6 năm trở lại đây lượng công chứng viên và phòng công chứng đều đã tăng lên gấp 6 lần. Ảnh IT |
Liên quan đến việc các cá nhân, tổ chức được quyền lựa chọn công chứng theo nhu cầu, Bộ trưởng Cường nói, năm 2010 Chính phủ có ban hành Nghị quyết 52 nhằm đơn giản hóa thủ tục công chứng. Tuy nhiên trong quá trình triển khai xuất hiện nhiều vướng mắc. Từ đó Chính phủ đã giao lại cho các bộ nghiên cứu lại. Sang đầu năm 2012 Chính phủ yêu cầu xây dựng lộ trình đơn giản hóa các dạng hợp đồng công chứng.
Bên cạnh việc đơn giản hóa, thời gian qua dư luận còn phản ánh nhiều về thực trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các văn phòng công chứng. Nhiều công chứng viên tỏ ra đơn giản, dễ dãi, thậm chí không tuân thủ đúng quy định trình tự hồ sơ thủ tục công chứng. Tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến.
Theo Bộ trưởng Cường, tình trạng trên là quá trình xã hội hóa công chứng. Thực tế cho thấy tốc độ xã hội hóa công chứng trong thời gian qua phát triển rất mạnh. Từ tháng 7/2007 đến nay lượng công chứng viên và phòng công chứng đều đã tăng lên gấp 6 lần. Trong khi đó chúng ta lại chưa có quy hoạch công chứng.
Ông Cường đưa ra hai lý do dẫn đến thực trạng này. Thứ nhất phải kể đến nhận thức và trình độ nghiệp vụ của công chứng viên. Luật hiện nay đang có sự dễ dãi trong việc bổ nhiệm công chứng viên. Nguyên nhân thứ hai liên quan đến việc quản lý của nhà nước. Thực tế cho thấy hiện chỉ có 4 – 5 tỉnh thành đã thành lập các hội công chứng, tự quản giám sát hoạt động cũng như đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên.
“Trước mắt chúng tôi sẽ tăng cường giáo dục bản thân, sau đó mới đến giám sát công chứng viên. Qua đó trong năm 2013 này chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra toàn diện. Còn về lâu dài chúng tôi sẽ thắt chặt đầu vào cũng như trách nhiệm của công chứng viên”, Bộ trưởng Cường nói.
Về thực trạng quy hoạch các tổ chức hành nghề công chứng, Bộ trưởng Cường cho biết, cuối năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định quy hoạch tổng thể sự phát triển nghề công chứng đến năm 2020 và tầm nhìn xa hơn. Theo quy hoạch từ nay đến năm 2015 cả nước sẽ có khoảng 1.000 tổ chức hành nghề công chứng. Hết giai đoạn một, cơ bản các địa bàn miền núi đều có tổ chức công chứng. Sang giai đoạn hai, đến năm 2020 tất cả các địa bàn kể cả hải đảo, vùng sâu vùng xa đều có phòng công chứng.
“Trong quy hoạch công chứng thì chủ yếu là thành lập văn phòng công chứng xã hội hóa. Đối với vùng sâu, xa, vùng hải đảo gặp nhiều khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã quy định Chủ tịch UBND các tỉnh có trách nhiệm xem xét, thành lập phòng công chứng của nhà nước. Mặt khác Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng lộ trình xã hội hóa 139 phòng công chứng nhà nước hiện nay. Các phòng công chứng này phần lớn đang được tập trung ở những thành phố, đô thị” – Bộ trưởng Cường nói.
Với tầm nhìn quy hoạch như vậy, Bộ trưởng Tư pháp một lần nữa khẳng định trong thời gian tới loại hình công chứng sẽ ngày càng trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn cho mọi người dân trên địa bàn cả nước.