Bộ trưởng Tài chính: "Điều hành xăng dầu không có chuyện xin – cho"
Bộ trưởng Tài chính: "Điều hành xăng dầu không có chuyện xin – cho"
Không có xin – cho
Người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết, Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu được thực hiện từ năm 2009, đã có thời gian cơ quan quản lý để các DN tự định giá trong khung quy định của Nghị định này. "Tức là xăng dầu vẫn là mặt hàng Nhà nước quản lý về giá, cho nên Nhà nước cho doanh nghiệp định giá, nhưng định giá trong khung giá mà Nhà nước quy định, chứ không phải định tự do như chúng ta lầm tưởng"- ông Huệ giải thích.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định: Hoàn toàn không có chuyện xin - cho trong điều hành cơ chế kinh doanh xăng dầu Ảnh: Chính phủ |
Nhưng chỉ vài tháng sau khi có hiệu lực, liên tục từ quý 4/2010 tới quý 1/2011, cùng với việc điều chỉnh tỷ giá tăng 9,3% của Ngân hàng Nhà nước, giá xăng dầu đã tăng 2 lần trong tháng 2 với mức tăng lớn, gây xáo trộn đời sống người dân, khiến chỉ số lạm phát tăng đột biến. "Trong trường hợp này, để ổn định thị trường, bắt buộc cơ quan điều hành phải thực hiện biện pháp bình ổn giá trong khuôn khổ Nghị định 84" – ông Huệ nói và khẳng định, sự quản lý của Nhà nước trong việc định giá xăng dầu – một mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống là hoàn toàn cần thiết.
Do đó, đến cuối tháng 8, chúng ta mới điều chỉnh giảm giá xăng dầu lần thứ nhất trong năm. Đến tháng 10,11 thì điều chỉnh thêm 1 lần nữa. Cuối năm nay, tình hình lạm phát vẫn đang phức tạp, tại thời điểm này, giá xăng đã biến động phức tạp, có tăng, nhưng Nhà nước không tăng giá mà sử dụng các công cụ về thuế và Quỹ bình ổn giá để làm sao giữ được mức giá ổn định, không tác động lớn đến đời sống, tiêu dùng, sản xuất, nhất là trong điều kiện cận kề Tết.
Tuy nhiên, hiện nay, giá cơ sở đang ở mức rất thấp, hiện giá xăng, thuế nhập khẩu của xăng là ở mức 4%; mazut 0%; diesel, dầu hỏa 5%. Đây là mức thuế suất nhập khẩu thấp hơn rất nhiều so với khung thuế hiện hành. Vì vậy, trước khi để cho doanh nghiệp tự định giá theo khung khổ Nghị định 84, trước mắt, chúng ta sẽ khôi phục lại giá cơ sở.
"Chúng tôi khẳng định hoàn toàn không hề có chuyện Bộ Tài chính chậm giao quyền tự định giá của DN kinh doanh xăng dầu để kéo dài thời gian, kéo dài xin – cho. Không hề có chuyện xin – cho ở đây, mà cách quản lý hiện tại chỉ khiến cơ quan điều hành thêm việc, thêm trách nhiệm"- Bộ trưởng Huệ nhấn mạnh và cho hay, khi giá cơ sở được khôi phục lại theo đúng tinh thần giá cơ sở của Nghị định 84, thì cơ quan quản lý sẽ "thả" hoàn toàn để cho các doanh nghiệp tự xem xét và điều chỉnh giá.
Minh bạch chi phí giá thành các tập đoàn, tổng công ty
Tại cuộc đối thoại trực tuyến, người đứng đầu ngành tài chính nhấn mạnh: Trong năm nay, cho dù giá sẽ được điều chỉnh như thế nào cũng phải thực hiện theo lộ trình để đến năm 2013, các mặt hàng điện, xăng dầu, than cơ bản thực hiện theo giá thị trường trong khi đó vẫn giữ được kiềm lạm phát dưới 10%.
Bên cạnh đó, yếu tố minh bạch cũng sẽ được Bộ Tài chính tuyên thủ một cách nghiêm ngặt. Như điều hành mặt hàng xăng dầu sẽ kiên trì thực hiện Nghị định 84 và Quyết định 24 của Thủ tướng về kinh doanh điện theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời, cũng xem xét nghiên cứu sửa đổi bổ sung một số vấn đề cần thiết, như chu kỳ để tính điều chỉnh tăng hoặc giảm giá, với thời gian sẽ ngắn hơn, phù hợp với diễn biến của giá thế giới.
Thanh tra Bộ Tài chính sẽ vào cuộc để thanh, kiểm tra tính minh bạch chi phí giá thành mặt hàng điện |
Bộ sẽ nghiên cứu hoàn thiện thêm công thức tính giá cơ sở, có thể đưa lãi định mức ra khỏi công thức tính giá cơ sở để đảm bảo sự minh bạch về lỗ lãi. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng sẽ được điều hành hoạt động đảm bảo tính công khai, minh bạch, nhà nước quản lý được quỹ bình ổn giá này, phục vụ các mục tiêu bình ổn giá xăng dầu.
Bên cạnh công khai minh bạch chính sách, ông Huệ cho biết thêm, Nhà nước cũng yêu cầu minh bạch công khai chi phí, giá thành của tất cả các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.
Năm 2012, Bộ Tài chính phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước để tiếp tục thanh tra, kiểm tra giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhạy cảm này. Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán toàn diện tình hình sản xuất kinh doanh, thực trạng tài chính của Tổng công ty xăng dầu - Petrolimex trong năm 2012. Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN.
Trường Giang