Bộ trưởng Tài chính: Buộc 5 "đại gia" sữa phải giảm giá bán
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trước băn khoăn của người dân về việc áp trần giá sữa đối với mặt hàng trẻ em dưới 6 tuổi.
Tối 25/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã “đăng đàn” trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”.
Việc áp trần giá sữa của Bộ Tài chính được đa số người dân coi là “hành động kịp thời” nhằm ngăn chặn tình trạng sữa “nhảy giá” thời gian qua. Tuy nhiên, điều mà người dân quan tâm và đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiên Dũng, là “Cách tính giá sữa sẽ được minh bạch ra sao? Bộ có công khai những sai phạm trong cách tính chi phí của các hãng sữa hay không?”.
Xung quanh kết quả thanh tra tại 5 doanh nghiệp kinh doanh sữa lớn, Bộ trưởng Dũng cho biết, năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014 của các công ty cho thấy cả 5 công ty đều tăng giá bán sữa và không có điều chỉnh giá. Trong đó, năm 2013 có 4 công ty tăng giá 1 lần và 1 công ty tăng giá 2 lần với mức tăng từ 2,4% - 30,66% giá bán.
Ba tháng đầu năm 2014 có 2 công ty cũng tăng giá bán, trong đó có 1 công ty có mức tăng giá bán từ 7-14% và 1 công ty có mức tăng giá bán từ 5-9%.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định việc áp trần giá sữa không vi phạm cam kết quốc tế |
Dựa trên kết quả thanh tra này, Bộ Tài chính đã tiến hành xử phạt hành chính đối với một công ty kê khai thiếu mặt hàng giá sữa có tăng theo quy định tại khoản 3 điều 11 nghị định số 109 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính.
Đồng thời, Bộ tiến hành truy thu 4 trên 5 công ty số thuế kê khai thiếu phải nộp với số tiền là 10,2 tỷ đồng. Và yêu cầu cả 5 công ty này phải tiến hành rà soát, tiết giảm chi phí để đảm bảo giá bán thấp đi, đặc biệt là các chi phí chưa hợp lý, hợp lệ về quảng cáo, khuyến mại và tiếp thị với số tiền là 386 tỷ đồng.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã kiến nghị với Chính phủ áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật về quản lý giá.
Trước lo ngại, việc khống chế giá trần trong cơ chế thị trường chỉ là một biện pháp quản lý hành chính, chỉ được sử dụng trong các trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích: Trước hết là phải căn cứ vào quy định của pháp luật xem việc áp dụng giá trần có đúng hay không? Căn cứ vào các quy định tại điều 15,16,17 và 18 của Luật Giá, trong đó có quy định sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là sản phẩm nằm trong danh mục bình ổn giá.
Thứ hai là Nhà nước thực hiện bình ổn giá khi có biến động về giá một cách bất thường.
Thứ ba, đối với lĩnh vực kinh doanh, quản lý giá sữa theo cơ chế thị trường, nhưng phải đảm bảo có sự quản lý của Nhà nước theo chủ trương chung. Trong đó phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, nhà nước và người tiêu dùng, đặc biệt người tiêu dùng là đối tượng rất nhạy cảm là trẻ em dưới 6 tuổi, mà theo thống kê của cơ quan quản lý, hiện nay Việt Nam có khoảng 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi.
Ông cũng khẳng định, để đi tới quyết định này Bộ Tài chính cũng đã xem xét đến kinh nghiệm quốc tế. Ví dụ như ở Mỹ, có những bang người ta áp dụng quản lý giá theo thiết lập chi phí đầu vào, nhưng cũng có bang thì người ta quy định giá bán buôn bán lẻ. Hay ở Indonesia thì cũng quy định nhà nước can thiệp khi cần thiết, một số siêu thị cụ thể thì người ta quy định giá bán bằng giá nhập khẩu cộng 10%.
“Việc áp dụng giá trần như thế này hoàn toàn không vi phạm cam kết quốc tế mà Việt Nam đã thỏa thuận”- người đứng đầu ngành tài chính quả quyết.
Giải thích về sự lựa chọn 25 mặt hàng sữa trong danh mục công bố để áp trần giá sữa trong khi trên thị trường hiện có hàng trăm nhãn hàng sữa, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân trần, khi thanh tra 5 doanh nghiệp sữa thì các doanh nghiệp này đã chiếm tới 90% thị phần sữa tại Việt Nam. Và 25 sản phẩm sữa mà Bộ công bố lần này cho trẻ em dưới 6 tuổi thì bản thân nó cũng chiếm trên 60% thị phần mà sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Doanh nghiệp sữa sẽ khó lách luật bằng chiêu tinh vi khi áp trần giá sữa |
“Bước đầu, Bộ đã chọn những sản phẩm có tỷ trọng rất lớn trên thị trường, từ đó quyết định áp giá trần đối với các sản phẩm còn lại căn cứ vào các sản phẩm trên. Bên cạnh đó, Bộ cũng đưa ra phương pháp hướng dẫn giá để doanh nghiệp đăng ký giá với cơ quan Nhà nước, để từng bước có biện pháp áp giá trên khung hợp lý” – ông nói.
“Khi đưa sản phẩm ra thị trường, các doanh nghiệp phải giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa chất lượng, giá cả và thị phần. Về lâu dài, sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, những doanh nghiệp làm ăn không có chiến lược hoặc quá sa đà vào lợi nhuận sẽ khó tồn tại và phát triển”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu quan điểm.