Bộ trưởng Tài chính: 72% thời gian thông quan thuộc trách nhiệm các Bộ ngành
Về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết ngay từ năm 2014 Bộ Tài chính đã xây dựng đề án và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2015, trong đó giao 13 Bộ ngành xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Các Bộ ngành đã chỉnh sửa 66/87 văn bản pháp luật có liên quan, tính đến nay đã ra soát được 50/200 danh mục hàng hóa thuộc trách nhiệm của các Bộ ngành khác.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: “28% thời gian thông quan hiện nay thuộc trách nhiệm của ngành Hải quan, còn lại 72% là trách nhiệm của các Bộ ngành liên quan đến các quy định về kiểm tra chuyên ngành. Đây là mấu chốt rất quan trọng mà chúng ta phải tháo gỡ nếu không sẽ không có động lực thúc đẩy giao lưu thương mại hàng hóa qua cửa khẩu.”
Tuy nhiên hiện nay còn nhiều mặt hàng chịu nhiều quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, một mặt hàng chịu nhiều sự kiểm tra chuyên ngành trong cùng một Bộ, cũng có nhiều hàng hóa thuộc quản lý của nhiều Bộ. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng các Bộ ngành phải cùng chỉnh sửa để tạo thuận lợi hơn cho việc kiểm tra chuyên ngành.
Ví dụ như sữa chua hay sữa bột phái kiểm dịch theo quy định của Bộ NN&PTNT và kiểm tra ATTP theo quy định của Bộ Công thương. Bộ Tài chính yêu cầu đẩy mạnh kiểm tra theo hướng xã hội hóa, tức là các doanh nghiệp có thể đầu tư trang thiết bị kiểm định.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định ngành tài chính, cụ thể là lĩnh vực thuế và hải quan đứng đầu trong các Bộ ngành. Thế nhưng cũng giống như kiểm tra chuyên ngành, việc đồng bộ hệ thống CNTT giữa các Bộ ngành là vô cùng quan trọng.
“Mình muốn làm, mình đang làm nhưng không đồng bộ về CNTT, kể cả về cơ sở vật chất và trình độ thì rất khó triển khai.”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Về quản lý hóa đơn thuế, Bộ trưởng Dũng cho rằng người mua hàng ít lấy hóa đơn và quen trả bằng tiền mặt, đây là khâu rất khó mà thời gian tới chúng ta phải tuyên truyền và các giải pháp để xử lý. Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định về hóa đơn điện tử và sẽ trình Chính phủ trong năm nay.
“Người dân phải có thói quen mua hàng có hóa đơn, nếu làm mạnh nữa thì coi đây như là một trong những điều kiện khi thành lập doanh nghiệp”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Cũng với câu hỏi về cải cách TTHC, năm 2017 Bộ Tài chính đưa ra 87 nhóm giải pháp cho từng lĩnh vực thuế, hải quan và kho bạc. Giai đoạn 2011-2015 Bộ Tài chính đã cắt giảm 248 TTHC, từ năm 2016 đến nay cắt giảm 172 TTHC và đơn giản hóa 872 TTHC, các lĩnh vực thuộc Bộ Tài chính hiện còn 946 TTHC.
“Cải cách TTHC nhưng phải gắn với hiện đại hóa và đổi mới phương thức quản lý. Thời gian qua chúng tôi rút ngắn thời gian nộp thuế từ 537 giờ còn 117 giờ, đưa vào thực hiện hải quan điện tử cùng cơ chế một cửa quốc gia, 99,9% số tờ khai hải quan được thực hiện trên hệ thống điện tử”
“Đối với hàng luồng xanh, thời gian thông quan chỉ còn 1-2 giây. Đã có 99,64% DN kê khai thuế điện tử, 46,2 triệu tờ kê khai thuế điện tử của 622.642 DN. Ngành Thuế đã hợp tác với 44 NHTM để kết nối điện tử, đã có 97,82% DN đăng ký nộp thuế điện tử, đã có 2,35 triệu giao dịch nộp thuế điện tử từ đầu năm đến nay, đạt 432 nghìn tỷ thuế nộp điện tử.”
Về hoàn thuế điện tử, Bộ trưởng cho biết có gần 7 nghìn DN đăng ký tham gia hoàn thuế điện tử, giải quyết 3.987 hồ sơ của năm nay với lượng tiền hoàn thuế là 22.057 tỷ đồng. Đến nay có trên 5 triệu hóa đơn điện tử có xác thực.
Bộ trưởng Dũng cho rằng kết quả cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế là rất lớn, tăng 81 bậc, xếp hàng 86/190 quốc gia theo xếp hàng của WB, đứng thứ 3 trong ASEAN.