Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Cạnh tranh không phải để tiêu diệt nhau”
Đó là thông điệp của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trước đông đảo cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tại buổi đối thoại chính sách đầu tư 2016 do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Công ty KPMG tại Việt Nam tổ chức sáng nay (28/6) tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: NT. |
Doanh nghiệp hãy suy nghĩ tích cực hơn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ mới đã nỗ lực để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp và cũng sẽ tiếp tục lắng nghe xem cần phải làm những gì tiếp theo cho cộng đồng doanh nghiệp. Để tận dụng thành công cơ hội và vượt qua thách thức, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần phải có sự hợp tác để nhân đôi sức mạnh, nhân đôi trí tuệ, khi nhiều con thuyền liên kết lại sẽ có thể cùng nhau đi xuyên bão và ra được biển lớn.
Nghị quyết 35 của Chính phủ đã khẳng định mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo, tức là phải đổi mới tư duy đối với doanh nghiệp. Trước đây cung cách quản lý còn nhiều bất cập, thiếu kiểm tra giám sát, thiếu hệ thống pháp luật đồng bộ, nhưng hiện nay Chính phủ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp với phương châm doanh nghiệp được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, xây dựng một bộ máy quản lý thân thiện hơn với cộng đồng doanh nghiệp.
“Lâu nay mối quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp thường có một khoảng cách, đây là rào cản lớn nhất. Chúng ta thường coi doanh nghiệp là những người có điều kiện về tài chính nên gắn với việc tạo ra các rào cản, khoảng cách để nhũng nhiễu, hạch sách, trục lợi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. “Trong thời gian tới, sẽ xây dựng hệ thống pháp luật, trong đó mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp phải tạo được sự thân thiện, có được hệ thống pháp luật chặt chẽ, thì doanh nghiệp mới yên tâm bỏ tiền ra đầu tư”.
Năm 2016 sẽ là năm có nhiều thay đổi và cũng không ít những khó khăn hiện hữu, giá dầu giảm sâu, biến đổi khí hậu gây hạn hán ở miền Trung và Tây nguyên, hiện tượng xâm nhập mặt ở đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Trong đó, ảnh hưởng nặng nề nhất là khu vực Tây Nguyên bởi đây là khu vực chủ yếu trồng cây công nghiệp, phải mất từ 5-7 năm để người dân có thể thay đổi chu kỳ của cây công nghiệp. Chính phủ cũng đã có những biện pháp tích cực để hỗ trợ, khắc phục, phục hồi đời sống sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong đợi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của Chính phủ và cộng động doanh nghiệp.
“Tôi mong muốn doanh nghiệp có suy nghĩ tích cực hơn về kinh tế Việt Nam trong năm 2016, với những chỉ đạo quyết liệt, chắc chắn kinh tế sẽ khởi sắc hơn. GDP 6 tháng đầu năm mặc dù không đạt kỳ vọng nhưng quý sau cao hơn quý trước, Chính phủ đã xây dựng những kịch bản khác nhau để lạm phát dưới 5%. Từ nay đến cuối năm 2016 sẽ cố gắng không tăng các mặt hàng như điện, sữa, phí BOT... Các mặt hàng thiết yếu khác nếu tăng giá phải có lộ trình hợp lý, không được tăng quá cao gây ảnh hưởng đến lạm phát,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Ba trụ cột chính để phát triển kinh tế
Đặc biệt, lĩnh vực doanh nghiệp luôn là lĩnh vực ưu tiên và đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp kể từ khi Chính phủ mới được bầu. Chính phủ quán triệt các văn bản liên quan đến pháp luật với 50 Nghị định được xây dựng trong 6 tháng qua và sẽ đáp ứng được từ 1/7 để đảm bảo không tạo ra khoảng trống pháp lý. Với những nỗ lực tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh, sẽ có nhiều doanh nghiệp không đủ sức vượt qua, nhưng cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp nhờ cạnh tranh mà lớn mạnh.
Trước các nhà đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định 3 trụ cột để phát triển kinh tế gồm: Thịnh vượng về kinh tế phải đi đôi với môi trường; Công bằng xã hội và hòa nhập xã hội, xây dựng một nhà nước có năng lực và có trách nhiệm; Chúng ta đang ở đâu, chúng ta sẽ đi như thế nào trong bối cảnh một nền kinh tế mở.
Hội nhập là để phát triển, có được sự phát triển hay không phụ thuộc vào chính người chơi. Cần tận dụng tốt cơ hội để phát triển, phải chủ động hơn, sáng tạo hơn, sẵn sàng bước vào một sân chơi mới mang lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp và kinh tế đất nước.
“Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững sẽ là mục tiêu xuyên suốt của Việt Nam và phải xuất hiện trong tư duy của chúng ta, xanh về kinh tế và môi trường xã hội. Hãy để chất lượng cuộc sống trở thành động lực của chiến lược phát triển,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.