Bộ Tài chính truy quét sữa bột gian lận ghi nhãn "né" giá trần
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, hiện có 30 sản phẩm được gọi là sữa dành cho trẻ em đang lưu hành trên thị trường nhưng thực chất không phải là sữa và đang được cơ quan quản lý “xác định lại tên gọi”.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), tới ngày 25/7 có 488 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã thực hiện xác định giá bán buôn và bán lẻ tối đa. Cũng qua kiểm tra cơ quan này phát hiện trên thị trường hiện tồn tại 2 loại sản phẩm: một là sản phẩm sữa và một là sản phẩm “thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng”, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và lúng túng trong việc áp trần giá sữa của cơ quan quản lý.
Dòng sản phẩm Pediasure của Abbott được ghi là "thực phẩm vi chất bổ sung" nên không nằm trong danh mục mặt hàng được bình ổn giá |
Sự tồn tại của loại sản phẩm “thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng” đồng nghĩa, số mặt hàng này sẽ không phải chịu chính sách áp trần giá sữa mà Bộ Tài chính ban hành và có hiệu lực từ 21/6 vừa qua.
Vì thế, Bộ Tài chính đã gửi tới Bộ Y tế 30 sản phẩm để “nhờ” cơ quan này phân định lại đúng tên gọi, song kết quả trả về mới được 12 sản phẩm được gọi là sữa.
“Số này vẫn ít so với thực tế và như thế rất khó thực hiện bình ổn giá, vì chỉ khi sản phẩm gọi là sữa thì cơ quan chức năng mới có thể thực hiện bình ổn giá”- ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) nhấn mạnh.
Trong lúc vẫn còn chờ phía Bộ Y tế xác định thêm các sản phẩm được dán mác “thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng” có phải là sản phẩm sữa hay không thì người tiêu dùng chắc chắn vẫn sẽ phải chịu thiệt thòi khi mua các sản phẩm này với giá cao do không thuộc diện bình ổn giá.
Thực tế, sau đợt áp trần giá sữa của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 21/6, ghi nhận thị trường sữa đã có sự giảm nhiệt đáng kể đối với các dòng sữa nằm trong diện áp giá trần. Song, vẫn có những mặt hàng nhưng được gọi với tên “thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng” dành cho trẻ em từ 1-10 tuổi, nên giá bán vẫn cao “ngất” và giảm trọng lượng trong mỗi lon sữa so với trước. Đơn cử, dòng sản phẩm Pediasure của Abbott do Công ty TNHH 3A phân phối tại thị trường Việt Nam, giá bán lên tới 986.000 đồng/hộp 850 gram….
Ngoài chuyện ghi nhãn "thực phẩm bổ sung vi chất" để "né" áp giá trần bán lẻ, thì trên thị trường cũng đang xuất hiện thêm một số dòng sữa mới, thay thế dòng sữa bao bì cũ nằm trong diện bị áp giá trần, và giá bán thì cao hơn nhiều so với trước.
Cụ thể, hãng Mead Johnson Việt Nam tung ra sản phẩm Enfamil A+ 360* Brain Plus và Enfagrow A+ 360* Brain Plus thay thế cho dòng Enfamil A+ và Enfagrow A+. Theo các đại lý, cùng với việc ra mẫu sản phẩm thay thế thì giá bán sản phẩm mới cũng cao hơn 50.000 – 70.000 đồng/hộp/tùy loại. Đơn cử, sữa Enfamil A+2 bán 417.000 đồng/900 gram thì sản phẩm mới là Enfamil A+2 360 Brain Plus bán 511.900 đồng/ 900 gram.
Quan sát đối chiếu công thức sữa bao bì mới (Enfamil A+ 360* Brain Plus) và bao bì cũ (Enfamil A+), dễ dàng nhận thấy sản phẩm mới không hề có đột phá, khác biệt nào về công thức. Cơ bản, hàm lượng các thành phần không thay đổi hoặc có thay đổi không đáng kể.
Điều đáng nói, tới thời điểm hiện tại, ghi nhận của PV Infonet trên thị trường Hà Nội, mẫu bao bì cũ của sản phẩm Enfamil A+, Enfagrow A+ đã gần như ... biến mất.