Bộ Tài chính: Nới tỷ giá không làm tăng nợ công
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, nợ công đang dần tiến tới sát ngưỡng trần 65%GDP, nhưng đợt điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 1% ngày 7/5 vừa qua của Ngân hàng Nhà nước không làm tăng nợ công quốc gia.
Giải thích cụ thể hơn tại cuộc họp chiều 14/5, ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho hay, hiện 46% cơ cấu nợ Chính phủ là ngoại tệ, trong đó một nửa là vay bằng đồng USD, một nửa là bằng các đồng ngoại tệ khác. Chính sách tỷ giá của Việt Nam hiện “neo” theo đồng USD và các đồng tiền khác theo tỷ giá chéo của USD.
Tăng tỷ giá thêm 1% thì cũng không làm tăng nợ công |
Dù USD tăng giá so với VND khi Việt Nam nới room tỷ giá thêm 1%, nhưng lại giảm giá so với nhiều đồng tiền khác. “Tính tổng phần tăng từ USD so với VND và phần giảm ở các khoản nợ trả bằng USD và các ngoại tệ khác tính tỷ giá chéo qua USD thì tương đương nhau. Vì thế, dù Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% thì cũng không làm tăng nợ công” – ông Trương Hùng Long khẳng định.
Quan điểm này của lãnh đạo Bộ Tài chính trái ngược hoàn toàn với tính toán mà quan chức Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra trước đây, khi cho rằng, nới tỷ giá 1% sẽ khiến tăng nợ công thêm 10.000 tỷ đồng.
Nhiều quan điểm của các chuyên gia đưa ra cho rằng, con số nợ công của Việt Nam dù đang tiến sát ngưỡng trần cho phép là 65%GDP nhưng lại chưa chuẩn xác, do không cộng phần nợ của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Về thắc mắc này, ông Long giải thích, DNNN hoạt động bình đẳng với các loại hình DN khác trong nền kinh tế, nếu tính nợ của DNNN vào nợ chung của Chính phủ, nợ quốc gia là không công bằng. “Được giao vốn Nhà nước, DNNN chịu mọi trách nhiệm với hoạt động và hiệu quả sử dụng đồng vốn của mình. Việc không tính nợ DNNN vào nợ quốc gia là hoàn toàn hợp lý, công bằng” – ông Long nói.
Cũng tại cuộc họp, liên quan tới câu hỏi của báo giới về đợt phát hành trái phiếu Chính phủ trị giá 1 tỷ USD cho Vietcombank, bà Phan Thị Thu Hiền – Vụ phó Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) lý giải, mục đích sử dụng số tiền huy động được này nhằm hỗ trợ cân đối ngân sách Nhà nước, nằm trong khoản bội chi đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, bà Hiền bỏ ngỏ khả năng thời gian tới có thể phát hành tiếp trái phiếu Chính phủ loại này nữa hay không để tăng nguồn thu cho ngân sách. “Thời gian tới có phát hành nữa hay không còn căn cứ vào nhu cầu của thị trường”- bà Hiền nói.
Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về tình hình kinh tế xã hội diễn ra đầu tuần này, đề cập tới vấn đề ngân sách, bản thân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, chỉ tính riêng năm 2015 Chính phủ phải trả nợ trái phiếu số tiền lên tới 135.000 tỷ đồng. Dù năm 2014 ngân sách vượt thu 80.000 tỷ đồng, song số tiền này cũng không dành dụm được bao nhiêu, do một phần trả nợ và chi tiêu đầu tư phát triển xã hội.