Bộ Tài chính: Nợ công được kiểm soát chặt chẽ, thấp hơn mức Quốc hội cho phép
Phát biểu tại cuộc họp báo chuyên đề về tình hình nợ công năm 2018 chiều 7/6, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng phòng Kế hoạch và Quản lý rủi ro, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, trong năm 2018, các chỉ tiêu nợ công được kiểm soát chặt chẽ và nằm trong giới hạn theo các Nghị quyết của Quốc hội.
Bộ Tài chính cho biết, nợ công năm 2018 được kiểm soát, thấp hơn mức Quốc hội cho phép... |
Theo đó, nợ công năm 2018 được kiểm soát ở mức 58,4%/GDP, thấp hơn nhiều so với mức Quốc hội cho phép (65%/GDP); nợ Chính phủ 50%/GDP, thấp hơn mức 54%/GDP Quốc hội cho phép; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2018 là 15,9%/thu ngân sách, thấp hơn mức cho phép 25%/thu ngân sách nhà nước; nợ nước ngoài quốc gia là 46%/GDP, thấp hơn mức 50%/GDP được Quốc hội cho phép.
Bộ Tài chính cho rằng, các chỉ tiêu nợ nói trên đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội quyết định và thấp hơn mức dự kiến tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Đại diện Bộ Tài chính cho hay, những kết quả đạt được như vậy chủ yếu do nền tảng vĩ mô khởi sắc, tăng trưởng GDP vượt kế hoạch và đạt mức cao nhất trong 11 năm qua.
Đồng thời, việc điều hành chính sách tài khóa đạt được nhiều thành quả khả quan, thu cân đối ngân sách ước vượt 7,8% so với dự toán, dự kiến bội chi Ngân sách Nhà nước thấp hơn so với dự toán là 3,7% GDP, qua đó giảm nhu cầu huy động vốn vay của Chính phủ.
Nợ công có xu hướng giảm... (Ảnh minh họa) |
Đặc biệt là giải ngân vốn ODA, ưu đãi nước ngoài chậm hơn dự kiến và biến động tỷ giá được kiểm soát tốt đã góp phần giảm quy mô nợ nước ngoài của Chính phủ khi quy ra đồng Việt Nam.
Cùng với đó, việc kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh của Chính phủ, không cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước và khuyến khích người vay trả nợ trước hạn dẫn đến giảm dư nợ bảo lãnh nước ngoài cũng là những yếu tố góp phần khiến nợ công giảm.
“Các chỉ tiêu nợ được kiểm soát chặt chẽ và nằm trong giới hạn theo các Nghị quyết của Quốc hội, góp phần quan trọng trong việc tiếp tục cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam”, Bộ Tài chính đánh giá.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc nợ công có thực sự đã an toàn và bền vững? Ông Võ Hữu Hiển - Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định của Luật Quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế, sự an toàn của nợ công được đánh giá dựa trên một số chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, quan trọng nhất là quy mô nợ công/GDP và khả năng trả nợ.
Hiện nay, một số vấn đề đặt ra đang có tác động đến sự an toàn của nợ công tại Việt Nam là việc các khoản vay sắp đến hạn trả. Chẳng hạn, nhiều khoản vay trong nước cơ bản sẽ đến hạn sau 5 năm vay, tức là năm 2020 - 2021 tới đây; một số khoản vay ODA, kể cả có lãi và không lãi cũng đến hạn phải trả nợ gốc vào năm 2020… điều này làm gia tăng áp lực trả nợ vào thời gian tới.
Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, công tác quản lý nợ công cũng chịu tác động bởi nhiều thách thức. Trong đó, việc Việt Nam "tốt nghiệp IDA" (dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển Quốc tế) kể từ năm 2017, các chỉ tiêu chi phí - rủi ro danh mục nợ Chính phủ, đặc biệt là nợ nước ngoài có xu hướng kém thuận lợi hơn trước đây.
Đối với danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ, trong 5 năm tới các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư. Thay vào đó, Chính phủ cần huy động các khoản vay mới với điều kiện kém ưu đãi hơn nhiều, sát với thị trường để bù đắp thiếu hụt cho cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư công trung hạn.
Do đó, để tiếp tục quản lý hiệu quả nợ công, Bộ Tài chính chủ trương thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường trái phiếu Chính phủ cả về chiều rộng và chiều sâu theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ và mở rộng cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hạn mức nợ nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, bảo đảm trong hạn mức được phê duyệt, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn.