Bộ Tài Chính: Hạn chế “ăn tiêu” vào 10 nghìn tỉ đồng tiền thoái vốn
Tại hội nghị Đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính – Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016, Bộ Tài chính cho biết tính đến ngày 28/12/2015, thu cân đối NSNN đạt xấp xỉ 957 nghìn tỷ đồng, đạt 105% dự toán.
Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao. Trong những ngày cuối cùng của năm 2015, Bộ Tài chính vẫn quyết liệt chỉ đạo thu NSNN để hoàn thành đến mức cao nhất thu ngân sách trung ương (NSTW), hạn chế cao nhất phải sử dụng đến khoản 10 nghìn tỷ đồng thu thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để hỗ trợ cân đối NSTW năm 2015.
Trước đó, vào thời điểm tháng 9/2015 Chính phủ chỉ xin Quốc hội cho sử dụng tối đa khoảng 10 nghìn tỷ đồng tiền bán cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp để bù giảm thu NSTW; số còn lại sẽ phấn đấu để tăng thu thêm trong điều hành.
Ảnh minh họa |
Để đạt được kết quả thu NSNN cao hơn dự báo, Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp, chống chuyển giá, gian lận thương mại, đẩy mạnh xử lý nợ đọng thuế....
Tính đến tháng 12/2015, cơ quan Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra 68 nghìn DN, đạt 83,5% kế hoạch, tăng 8,5% so với năm 2014. Tổng số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra (truy thu, truy hoàn, phạt...) 10,2 nghìn tỷ đồng, số tiền đã nộp NSNN khoảng 7 nghìn tỷ đồng; giảm khấu trừ và giảm lỗ trên 20,7 nghìn tỷ đồng.
Cơ quan Thuế đã thanh tra, kiểm tra 2.421 DN lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá và DN có hoạt động giao dịch liên kết; giảm lỗ trên 4,4 nghìn tỷ đồng; truy thu, truy hoàn, phạt 0,5 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ 190 tỷ đồng.
Theo báo cáo, chi ngân sách, ngay từ đầu năm đã thực hiện điều hành chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Bộ Tài chính đã cắt giảm 4.143 tỷ đồng kinh phí tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm của các bộ, cơ quan Trung ương và dự phòng NSTW để bù đắp hụt thu NSTW.
Trong năm 2015, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã triển khai thực hiện 75,6 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực: quản lý, điều hành ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; kinh phí tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp, quỹ tài chính...Qua đó đã phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính trên 38,6 nghìn tỷ đồng đã thực hiện xử lý 15,9 nghìn tỷ đồng.
Năm 2015, hệ thống Kho bạc nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi 736,5 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN, đã phát hiện gần 29 nghìn khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định; thông qua công tác kiểm soát thanh toán vốn đầu tư đã từ chối thanh toán 95 tỷ đồng do chủ đầu tư đề nghị thanh toán sai danh mục.
Về cân đối NSNN: Bội chi NSNN được điều hành trong phạm vi Quốc hội quyết định là 226 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,0%GDP, trên cơ sở giải ngân vốn vay ODA tạm xác định bằng dự toán. Đối với số vốn vay ODA giải ngân vượt dự toán, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh theo số thực tế khi quyết toán NSNN năm 2015. Cân đối NSTW và ngân sách chính quyền địa phương các cấp được đảm bảo.
Về quản lý nợ công và nợ quốc gia, dự kiến dư nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3%GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,9%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5%GDP, đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép, không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, với kết quả thực hiện năm 2015 nêu trên, nhiệm vụ tài chính - NSNN cả giai đoạn 2011-2015 đã đạt được những kết quả quan trọng. Quy mô thu NSNN giai đoạn 2011-2015 bằng gần 2 lần giai đoạn 2006-2010 và bằng hơn 5 lần giai đoạn 2001-2005.
Tổng chi NSNN 5 năm 2011-2015 ước xấp xỉ mục tiêu 5 năm đã đặt ra. Quy mô chi NSNN năm 2015 ước tăng trên 70% so với năm 2010. Tỷ trọng tổng chi NSNN so GDP giảm dần từ mức trên 30%GDP năm 2010 xuống khoảng 26%GDP năm 2015.
Chi NSNN cơ bản đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về phát triển KT-XH, góp phần tích cực phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững trật tự, an toàn, ổn định xã hội.
Tuy nhiên, do việc cắt giảm nhanh chính sách thu, cùng với áp lực tăng chi lớn, dẫn đến cân đối NSNN khó khăn; bội chi NSNN phải duy trì ở mức cao, dư nợ công tăng nhanh, đòi hỏi có giải pháp phù hợp để giảm dần trong giai đoạn tới.