Bộ Nông nghiệp báo cáo "khẩn" Thủ tướng về tình hình thịt lợn sau khi bị phê bình để thiếu
Đáng chú ý, trong báo cáo của Bộ NN&PTNT vẫn chưa nói rõ cụ thể về kế hoạch nhập khẩu như thế nào để bù đắp lượng thịt thiếu này. Trong khi đó, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác trong dịp Tết Canh Tý tới đây. Đồng thời có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có hiệp định song phương về xuất, nhập khẩu thịt lợn để cân đối việc thiếu hụt thịt lợn trong nước và hài hòa lợi ích giữa các bên.
Trước đó, vào ngày 17/12, báo cáo về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn những tháng cuối năm, Bộ Công Thương lại cho rằng, trong 10 tháng đầu năm, nhập khẩu thịt lợn mới chỉ đạt 96 nghìn tấn. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu này chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.
“Tuy nhiên, để có thông tin chính xác về việc nhập khẩu thịt lợn, đề nghị liên hệ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với mặt hàng này”, Bộ Công Thương cho hay.
Báo cáo với Thủ tướng, Bộ NN&PTNT cho rằng đã rất chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).
Sản lượng thịt hơi các loại cả năm 2019 ước đạt khoảng 5,0 triệu tấn, giảm 6,2% so với năm 2018. Trong đó, đàn bò tăng 2,4%, sản lượng thịt 350 ngàn tấn (tăng 4,4%); sữa đạt khoảng 1,1 triệu tấn (tăng 10%); đàn gia cầm tăng 13,5%, sản lượng thịt ước đạt 1,26 triệu tấn (tăng 15%) sản lượng trứng ước đạt 14,0 tỷ quả (tăng 12%).
Riêng chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do bệnh DTLCP làm giảm đáng kể số đầu con và sản lượng so với 2018; sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018 (bao gồm giảm khoảng 9.0% do thiệt hại bị bệnh DTLCP và gián tiếp do chưa tái đàn).
Hiện nay, tổng đầu lợn theo báo cáo của các tỉnh hiện còn khoảng 25 triệu con, trong đó đàn nái là 2,7 triệu con; đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà còn 109 nghìn con. Cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn.
Về dự trữ các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu các tháng cuối năm, TP Hà Nội đã bố trí nguồn kinh phí 31.200 tỷ đồng, TP.HCM đã bố trí nguồn kinh phí 102.891 tỷ đồng.
Trong khi đó, tỉnh Bắc Giang tổ chức dự trữ 20.000 tấn thịt lợn. Phú Thọ ước tính sản lượng thịt lợn đạt 10.000 tấn từ nay đến Tết âm lịch so với nhu cầu của địa phương là 7.000 tấn.
Kể từ đầu tháng 2 đến ngày 18/12, DTLCP đã xảy ra tại 63 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là gần 6 triệu con (trên 340.000 tấn), chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước. Dự báo hết tháng 12, số lợn buộc tiêu hủy là khoảng 50.000 con.
Theo Tổng cục Thống kê, nguồn cung thịt lợn vẫn thiếu hụt khoảng 200.000 tấn.
Bộ NN&PTNT đề xuất Ban chỉ đạo 389 các cấp chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách tạo điều kiện thuân lợi để doanh nghiệp, người dân được vay vốn đầu tư mở rộng, khôi phục sản xuất chăn nuôi.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá, phê bình và yêu cầu Bộ NN&PTNT nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao. Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô.