Bố mẹ vừa "giở trò", con đã vùng dậy khóc
Ảnh minh họa. |
Không cái gì khổ bằng “cấm vận”
Nói về câu chuyện con cái ngủ chung giường với cha mẹ, Thạc sĩ Đinh Đoàn nhớ cách đây không lâu, anh đến một công ty nói chuyện với họ về hạnh phúc gia đình. Điều khiến chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn bất ngờ là vị giám đốc của công ty ấy đã đứng lên thay mặt các anh em trong cơ quan “tố khổ” với chuyên gia tâm lý. Anh cho biết, đàn ông cũng phải chịu đựng bao nỗi khổ mà chẳng ai hiểu cho. Công việc vất vả, sức ép của sự thăng tiến và thành đạt, việc ngày càng phải kiếm nhiều tiền hơn mới đảm bảo đời sống gia đình thời “bão giá” cũng chẳng thấm vào đâu so với nỗi khổ bị vợ “cấm vận”.
Cũng chung hoàn cảnh, anh Cao Văn Quân trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội là kỹ sư xây dựng nhăn nhó kể lại nỗi khổ sở của mình. Vốn là anh cả trong một gia đình lao động nghèo đông con, khi anh lấy vợ, bố mẹ anh thu xếp cho hai vợ chồng ở trên căn gác xép chỉ vừa đủ kê một tấm đệm đôi. Hai năm sau, họ có thêm một cô con gái.
Từ khi có con, thấy chỗ ngủ chật hẹp, tối nào anh cũng chủ động ôm gối xuống đất ngủ chung với mấy cậu em trai, để vợ con ngủ cho thoải mái. Nào ngờ, ý tốt của anh lại dẫn đến kết quả không mong đợi. Vợ anh bén hơi con, quên đi chuyện vợ chồng. Có lần, thấy con ngủ say, anh rón rén bỏ các em ở dưới đất, leo lên gác xép nằm nép bên vợ. Anh vừa quàng tay ôm eo vợ, đã được vợ nhắc khéo: “Anh để cho em ngủ một chút, đêm khuya con thức dậy, em còn phải lo cho nó uống sữa, dỗ dành mệt lắm”.
Anh Quân đành thở dài chịu đựng cho đến khi con được hơn hai tuổi, hai vợ chồng mua được một căn buồng của hàng xóm để lại với giá rẻ, vợ chồng anh mới được ngủ chung. Nhưng đến lúc này lại có một phiền hà khác, hai vợ chồng cứ như kẻ trộm, làm gì cũng phải nhè nhẹ, canh chừng cô con gái thính tai và khó ngủ.
Có đêm anh chị vừa “giở trò”, đã thấy nó ngồi bật dậy khóc rồi hỏi to: “bố mẹ làm gì thế? Bố đái dầm à, sao lại cởi quần”. Anh nằm im, nín thở, giả vờ ngủ. Còn vợ anh lại mất nửa tiếng dỗ dành con: “con ngủ đi, bố đi làm về mệt, bố ngủ rồi”. Anh Quân tâm sự rằng sung sướng nhất là hôm nào cô con gái sang chơi bên bà ngoại, được bà dỗ ở lại ngủ với bà. Không biết có phải bà biết ý vợ chồng anh còn trẻ, nhà chật, nên cố tình giữ cháu ở lại để vợ chồng anh được bữa yêu nhau no nê hay không.
Khi vợ chỉ thích ngủ cùng con
Anh cằn nhằn với vợ rằng “em thích ôm con ngủ, còn anh ôm ai”, thì vợ anh nói như than vãn rằng: "Hồi con còn nhỏ, để nó ngủ một mình tội quá. Tới khi lớn, nó quen ngủ với em rồi, không chịu ngủ một mình. Anh dỗ được nó ngủ riêng thì em… chiều anh”. Có hôm bí quá, anh nằm ở phòng của mình, nhắn tin cho vợ sang “vui vẻ”. Nhận tin nhắn, vợ anh rón rén sang phòng anh, nhưng vừa ra đến cửa chị đã thấy cậu con trai vùng dậy hét toáng lên: “mẹ đi đâu đấy, sao mẹ không ngủ với con”. Giờ thì anh đang bí, chẳng biết làm thế nào để cậu con trai “cai mẹ”, để anh lại có vợ như xưa.
Về chuyện này, Thạc sĩ Đinh Đoàn kể những người chồng sống ở nông thôn còn chịu nhiều cơ cực hơn, bởi ở đó vẫn có thói quen con cái ngủ chung với cha mẹ và trong nhà không có phòng riêng cho đôi vợ chồng. Khi đã có hai con trở lên, vợ ngủ riêng với một hai đứa, thường là đứa nhỏ. Chồng ngủ chung với đứa con đã lớn. Khi vợ chồng có nhu cầu gần nhau, người chồng lần mò sang giường người vợ, phát tín hiệu riêng, thường là gãi chân, kéo tay vợ. Người vợ biết ý, khẽ khàng chui ra khỏi giường, rồi hai vợ chồng đưa nhau đi đâu đó để “yêu nhau”, có khi ở dưới bếp, khu nhà để đồ đạc ...
Nhưng cũng có người vợ không hiểu ý chồng, hoặc mệt mỏi, lười dậy, nên giả vờ ngủ say, để từ chối lời mời gọi của chồng, khiến người chồng hụt hẫng, tức giận. Không ít người đã có những hành động vũ phu, bạo lực đối với vợ khi cơn “thèm yêu” nổi lên mà không được đáp ứng.