Bỏ loa phường: Đừng vì lợi ích cục bộ!
Mới đây, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Sở TT&TT Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đặt vấn đề cân nhắc về sự cần thiết phải duy trì hệ thống loa phường: “Nếu loa phường không còn hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi. Loa đã hoàn thành sứ mệnh của nó".
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã giao Sở TT&TT Hà Nội ngay trong quý I năm 2017 phải hoàn thành công tác đánh giá hiệu quả loa truyền thanh phường. Chủ tịch Hà Nội cũng đã yêu cầu cơ quan chức năng đánh giá nghiêm túc, chọn vài điểm lấy ý kiến nhân dân. Nơi nào loa phường còn tác dụng tốt, như ở ngoại thành, thì có thể giữ, những nơi dân trí đã cao thì có thể bỏ loa phường đi. Cùng với đó, thành phố sẽ thí điểm cung cấp thiết bị đầu cuối thông minh cho các gia đình, giải quyết thông tin đến từng hộ.
Ý kiến nêu trên của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều về việc có cần thiết phải giữ lại hệ thống loa phường hay không. Những người ủng hộ "tẩy chay" loa phường cho rằng đây là nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng xấu tới đời sống sinh hoạt thường nhật.
Ngược lại, cũng không ít người ủng hộ việc giữ lại hệ thống loa phường vì đây là nguồn thông tin hữu hiệu cho người dân ở cơ sở. Chính vì sự cần thiết của hệ thống thông tin cơ sở này, mà vừa cuối năm 2016, Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở (hiệu lực từ ngày 1/2/2017). Theo Quy chế này, đài truyền thanh cấp xã, phường, thị trấn sẽ sản xuất các chương trình phát thanh bằng tiếng Việt, tiếng các dân tộc để phát trên hệ thống truyền dẫn, phát thanh cấp xã.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Trao đổi với Infonet về đề xuất có thể bỏ loa phường của Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu ở trên, bà Lê Hương Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Quan điểm của cá nhân tôi là cứ để Hà Nội nghiên cứu đã. Nếu Hà Nội tìm được phương án thông tin trực tiếp đến người dân tốt hơn hệ thống loa phường, cung cấp thông tin đầy đủ hơn, hay hơn, hấp dẫn hơn, để người dân tiếp cận thông tin tốt hơn thì tôi ủng hộ. Quy chế Thủ tướng ra rồi, đã sẵn có hệ thống loa phường, nhưng tùy từng đặc thù, ví dụ ở khu vực nội thành, nếu tìm được một phương án tốt hơn thì cũng phải lắng nghe người ta xem sao".
Tuy nhiên, Vụ phó Vụ Thông tin cơ sở cũng lưu ý: "Không phải cái gì người dân không thích là người làm công tác quản lý cũng phải chạy theo. Cần phải vì lợi ích toàn cục, nhìn thấy được lợi ích lớn hơn lợi ích của từng cá nhân người dân. Ví dụ, người có nhà ở cạnh loa phường thì không thích loa chĩa vào nhà, nhưng nhìn toàn bộ cả phường vẫn cần loa phường để thông tin thì nhà quản lý vẫn phải duy trì vì có lợi chung.
Chính sách quản lý phải thực tế, xuất phát từ lợi ích toàn cục của người dân chứ không phải lợi ích cục bộ của một phường, xã hoặc một vài người. Tầm của người quản lý nằm ở chỗ đó".
Phân tích thêm về tầm của người quản lý, bà Giang nêu ví dụ để so sánh: "Nhiều người không thích đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy nhưng vì lợi ích chung của người dân thì vẫn phải quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Hoặc nhiều người không thích bị cấm đốt pháo nhưng vì lợi ích toàn cục thì vẫn cần thiết phải cấm đốt pháo. Trước khi làm chính sách thì nhà quản lý phải nghiên cứu cho kỹ".