Bỏ giá trần sản phẩm sữa trẻ em dưới 6 tuổi: Có thật sự minh bạch?
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại rằng, khi bỏ trần, liệu giá sữa có cạnh tranh minh bạch, loại sữa mới nào sẽ vào thị trường Việt Nam? Có xảy ra tình trạng độc quyền nhóm và cơ quan quản lý có cách nào để giám sát…?
Phải thừa nhận một thực tế rằng, khi thực hiện quyết định áp giá trần đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi của Bộ Tài chính (từ 1/6/2014), giá sữa trên thị trường có phần lành mạnh hơn.
Theo nhiều chuyên về giá, chưa thể đánh giá được hiệu quả của việc áp trần giá sữa đến đâu, nhưng với việc ban hành quyết định áp trần giá sữa, đã thể hiện rõ vai trò quản lý, điều tiết thị trường, đồng thời đã khẳng định việc điều hành giá sữa nằm trong tay cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc áp dụng giá trần chỉ giúp ngành chủ quản kiểm soát được doanh nghiệp lớn. Còn với hệ thống cửa hàng bán lẻ, thì việc kiểm soát giá trần không mang lại hiệu quả như mong muốn. Bởi lẽ, thực tế, trong 2 năm qua, mặt hàng sữa cho trẻ em ở nước ta thuộc loại có giá cao nhất thế giới, trong khi đó, giá sữa trong nước chỉ có tăng chứ không có hạ, mặc dù giá nguyên liệu giảm. Bên cạnh đó, chất lượng cũng như độ an toàn của sữa luôn tiềm ẩn sự bất an đối với trẻ nhỏ.
Về lý thuyết, sữa là mặt hàng bình ổn giá, do vậy nhà nước hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp quản lý theo giá trần dựa trên tính toán giá nhập khẩu, thuế, chiết khấu bán hàng và lợi nhuận doanh nghiệp ở mức hợp lý. Thế nhưng trong thực tế, các cơ quan chức năng chưa quản lý được giá của sản phẩm này, đồng thời cũng chưa thống kê được trên cả nước có bao nhiêu Cty kinh doanh sữa cũng như thị phần của từng Cty. Nói cách khác, biện pháp áp giá trần chưa đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp giảm giá sát với chi phí thực tế.
Ở một khía cạnh khác, mặt hàng sữa không phải như xăng dầu, doanh nghiệp chỉ đơn thuần nhập khẩu rồi bán ra thị trường nên nhà nước dễ dàng định giá, trong khi đó, sữa nguyên liệu nhập về doanh nghiệp phải chi phí nghiên cứu dinh dưỡng, bổ sung vi chất, marketing… nên việc áp giá trần từng sản phẩm là không đơn giản, sản phẩm công thức nên mỗi nhà sản xuất pha chế với hàm lượng vi chất rất khác nhau cho từng sản phẩm, thị trường khác nhau.
Điều mà dư luận và người tiêu dùng quan tâm nhất lúc này là Bộ Tài chính phải nhanh chóng có biện pháp quản lý giá sữa nếu quyết định dỡ bỏ giá trần. Dẫu biết rằng, hiệu quả của công tác này đến đâu, nó còn tùy thuộc vào sự phối hợp của các cấp chính quyền địa phương trong việc giám sát thực hiện.