Bộ Công thương nhận hàng trăm câu hỏi của ngư dân miền Trung sau vụ cá chết
Ngày 30/4, Bộ Công Thương đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin và hỗ trợ ngư dân trong việc thu mua, tiêu thụ hải sản bảo đảm an toàn, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân một số vùng ven biển miền Trung.
Ngay lập tức đường dây nóng đã nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của các tổ chức, cá nhân, ngư dân từ các tàu đánh bắt xa bờ cho đến các tổ chức thu mua và các hộ kinh doanh trên địa bàn.
Số lượng câu hỏi như đã nêu tập trung cao điểm trong ngày 30 tháng 4 đến ngày 7 tháng 5 (chiếm đến ¾ số câu hỏi), sau đó giảm dần và đến nay hầu như không còn.
Nội dung câu hỏi chủ yếu vào vấn đề giải quyết khâu tiêu thụ hải sản cho ngư dân, cho các hợp tác xã và doanh nghiệp thu mua hải sản như: Điểm thu mua sẽ tổ chức ở đâu? Ai mua? Ai là người xác nhận điểm an toàn? Đồng thời đề nghị có những chính sách và biện pháp hỗ trợ kịp thời cho nhóm đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp, tránh tình trạng gian lận trong khâu kiểm soát tiêu thụ cá an toàn và cá không an toàn, tránh tình trạng bị ép giá.
Bộ Công thương cho biết, Bộ đã hướng dẫn và trả lời trực tiếp các câu hỏi của người dân và chỉ đạo ngay tới Sở Công Thương các địa phương liên quan để làm rõ, xử lý, đồng thời tiếp thu và đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan có giải pháp phù hợp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, các đầu mối thu mua và hệ thông phân phối, tiêu thụ tại các địa phương.
Các giải pháp cụ thể như: Thành lập Tổ công tác làm việc trực tiếp tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng của hiện tượng cá chết bất thường để nắm thực tế tình hình và đánh giá cụ thể khả năng, phương án triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiêu thụ hải sản đánh bắt bảo đảm an toàn của ngư dân.
Đồng thời chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ sản hải sản bảo đảm an toàn trong đó chú trọng: hỗ trợ ngư dân vào các điểm thu mua, tiêu thụ hải sản đánh bắt xa bờ bảo đảm an toàn.
Chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối lớn, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối kết nối các điểm thu mua hải sản đánh bắt được chứng nhận an toàn với hệ thống các cơ sở chế biến, phân phối, tiêu thụ trên địa bàn.
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương tăng cường theo dõi, tuyên truyền tới người dân không thu mua, tiêu thụ các loại thủy hải sản không rõ nguồn gốc, chưa được chứng nhận bảo đảm an toàn của cơ quan chức năng; đồng thời, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm.
Các Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến tới người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về công tác tổ chức thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản bảo đảm an toàn, đặc biệt là thông tin về các điểm thu mua, về hệ thống các cơ sở phân phối, tiêu thụ thủy hải sản đã được chứng nhận bảo đảm an toàn để người dân tiếp tục yên tâm mua và sử dụng.
Đồng thời chỉ đạo và hướng dẫn Sở Công Thương các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thực hiện Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh nêu trên bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.