Bộ Công thương lập tổ công tác làm rõ thông tin ông Vũ Đình Duy nghỉ việc, cáo ốm
Ngày 4/11/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định thành lập tổ công tác rà soát chức năng, nhiệm vụ, quản lý cán bộ của Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Ông Vũ Đình Duy |
Theo đó, Tổ công tác chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công Thương và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ, gồm 4 thành viên:
1.Ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ làm tổ trưởng.
2. Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất làm tổ viên
3. Ông Hoàng Anh Dương, phó tránh thanh tra Bộ làm tổ viên
4. Ông Trần Văn Bình, Hàm trưởng phòng cán bộ công chức, Vụ Tổ chức Cán bộ làm tổ viên kiêm thư ký.
Ngay khi nhận quyết định của Bộ trưởng, lúc 14h chiều ngày 4/11/2016, Tổ công tác đã có mặt tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, bắt đầu thực hiện công việc rà soát, kiểm tra công tác quản lý cán bộ tại đây.
Tổ công tác đã yêu cầu hội đồng thành viên Tập đoàn làm rõ một số nội dung:
- Làm rõ các thông tin liên quan đến ông Vũ Đình Duy - Thành viên trong Hội đồng thành viên của Vinachem.
- Ban hành và thực hiện quy chế làm việc của Hội đồng thành viên
- Phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Hội đồng thành viên.
- Kiểm tra công tác quản lý việc đi nước ngoài, hộ chiếu của các nhân sự trong Hội đồng thành viên Vinachem cũng như công tác quản lý cán bộ tại đây.
Trước đó, vào ngày 2/11, tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) có công văn gửi Bộ Công Thương thông báo việc nguyên Tổng giám đốc PVTex Vũ Đình Duy có đơn xin nghỉ để đi chữa bệnh.
Ông Vũ Đình Duy, nhiều ngày không xuất hiện tại văn phòng làm việc và đã có giấy xin phép nghỉ phép, trong đó có nói “có thể phải đi chữa bệnh nước ngoài”.
Nhà máy xơ sợi Đình Vũ là một trong những điển hình về đầu tư không hiệu quả. Với tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (7.000 tỷ đồng), Nhà máy xơ sợi Đình Vũ dự định dùng nguyên liệu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi, giúp ngành dệt may trong nước tự chủ một phần nguyên liệu. Ban đầu, Dự án được góp vốn bởi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Tuy nhiên phần vốn góp 200 tỷ đồng của Vinatex và 1 đơn vị thành viên là Tổng công ty cổ phần Phong Phú đã nhanh chóng được các đơn vị này thoái hết và rút lui khỏi Dự án vào năm 2015.
Sau khi cơ cấu lại cổ đông chỉ còn PVN và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí tham gia góp vốn đầu tư với tỷ lệ tương ứng 75:25 tại PVTEX.
Sau gần 6 năm đầu tư, ngay từ khi chạy thử rồi vận hành thương mại vào tháng 5/2014, Nhà máy liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất và thua lỗ nặng lên tới hàng ngàn tỷ đồng.