Bộ Công thương điều hành giá xăng dầu: Sao về một mối?
Theo kết luận của Thủ tướng sau cuộc họp thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số nội dung của dự thảo nghị định theo hướng Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu và Quỹ Bình ổn giá xăng. Còn Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá đồng thời chủ trì hướng dẫn việc trích lập, quản lý, sử dụng, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Nếu Bộ Công thương điều hành giá xăng dầu, theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, thì còn rất nhiều điều lấn cấn, không khách quan, “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Lý do là: Thứ nhất, Bộ Công thương là cơ quan chủ quản của Petrolimex, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chiếm thị phần rất lớn.
Thứ hai, Bộ Công thương là cơ quan chủ quản của cơ quan quản lý cạnh tranh, trong đó có xử lý cạnh tranh của các doanh nghiệp xăng dầu.
Thứ ba, là cơ quan quản lý thị trường, trong đó quản lý thị trường về xăng dầu và xuất nhập khẩu mặt hàng này. Nay Bộ Công thương lại toàn quyền điều hành giá (toàn quyền một cách tương đối) thì nhiệm vụ, thẩm quyền có sự xung đột về trách nhiệm.
Tuy nhiên, trả lời thắc mắc này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trong trả lời trước Quốc hội khẳng định: “Chuyển điều hành giá xăng dầu cho Bộ Công thương là chuyện rất bình thường, theo Luật Quản lý giá”.
Cũng trong phiên trả lời chất vấn này, khi nói về điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận: “Bản thân Bộ Công thương cũng không muốn việc điều chỉnh này, chúng tôi muốn đề xuất với Chính phủ duy trì việc Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì việc điều hành giá và Bộ Công thương là phối hợp như hiện hành. Bộ Tài chính hiện nay cũng không phải là cơ quan quyết định giá xăng dầu mà chỉ là tổ trưởng tổ về điều hành giá xăng dầu và tổ này là tổ liên ngành của Bộ Tài chính và Bộ Công thương, có nghĩa là nếu Bộ Công Thương không đồng ý, nhất trí thì Bộ Tài chính phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để quyết định việc điều chỉnh giá.
Ngược lại nếu đổi vai Bộ Công thương làm đầu mối và Bộ Tài chính phối hợp, Bộ Tài chính không đồng ý thì Bộ Công thương cũng phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ chế liên ngành, không phải một bộ quyết định được. Tuy nhiên chúng tôi chấp hành quyết định của Chính phủ, nếu phân công chúng tôi làm đầu mối trong điều hành giá thì chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính”.
Cũng theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, việc sửa đổi Nghị định 84 sẽ phải theo hướng bám sát hơn diễn biến của thị trường xăng, dầu thế giới (như tần xuất điều chỉnh, thời gian tính giá cơ sở… phải ngắn hơn); Tạo thêm điều kiện cho hoạt động kinh doanh xăng dầu cạnh tranh hơn trong sự quản lý của nhà nước, thêm nhiều đầu mối về kinh doanh xăng dầu, tránh độc quyền…
Lời hứa của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trước Quốc hội nêu rõ: Sau khi Thủ tướng Chính phủ xem xét tờ trình của các bộ, ngành mà Bộ Công thương làm đầu mối, sẽ cố gắng để trong thời gian sớm nhất có thể ban hành nghị định thay thế Nghị định 84.
Theo quan điểm của các chuyên gia kinh tế, điều hành giá xăng dầu vẫn phải có cơ quan liên ngành chứ không thể để một bộ vừa quản xuất, nhập khẩu, độc quyền và nay quyết cả về giá. Cùng với đó, cần có cơ chế giám sát rõ ràng, minh bạch đối với việc điều hành giá xăng dầu.
Nguồn VOV