Bộ Công thương “bắt tay” đại gia bán lẻ ngoại tiêu thụ hàng Việt
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, sau 6 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhận thức của người Việt với hàng nội đã thay đổi rõ rệt.
Có tới 92% người tiêu dùng được hỏi quan tâm tới cuộc vận động. Trong đó, có tới 63% người tiêu dùng xác định ưu tiên mua hàng Việt Nam sản xuất và 54% người tiêu dùng không chỉ sử dụng hàng Việt mà còn động viên người nhà mua hàng Việt. Hiên tỷ trọng hàng sản xuất tại Việt Nam được bày bán tại các cơ sở phân phối bán lẻ của DN trong nước và nước ngoài lên tới 90%.
Tổng kết 6 tháng đầu năm 2015, các địa phương đã tổ chức 101 đợt bán hàng về nông thôn với 1.355 lượt DN tham gia, thu hút 600.000 lượt người tới tham quan, mua sắm, doanh thu mang lại hơn 8.000 tỷ đồng.
Tỷ trọng hàng sản xuất tại Việt Nam được bày bán tại các cơ sở phân phối bán lẻ của DN trong nước và nước ngoài lên tới 90%. |
Để thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, Thứ trưởng Thoa cho biết, Bộ Công thương đã đẩy mạnh nhiều biện pháp, như phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại nội địa với 223 đề án, tổng kinh phí 100 tỷ đồng.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã có kế hoạch “bắt tay” với các đại gia bán lẻ ngoại đang hoạt động tại Việt Nam để xuất khẩu và phân phối trong toàn hệ thống của họ cũng như các DN phân phối lớn của nước ngoài đang quan tâm đến thị trường Việt Nam. Những tên tuổi tập đoàn bán lẻ ngoại hợp tác để phân phối hàng Việt, gồm Metro, BigC, AEON, Lotte ...
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng triển khai hoạt động xúc tiến việc hợp tác với một số DN phân phối lớn của nước ngoài đang quan tâm đến thị trường Việt Nam tham gia mua hàng Việt Nam để phân phối trong toàn hệ thống như Wall Mart (Mỹ); Auchan (Pháp)…
"Đông đảo nguời Việt đã thay đổi thói quen dùng hàng ngoại sang dùng hàng Việt. Kể cả người dân nông thôn cũng ưa chuộng hàng Việt", Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh.
Dù vậy, theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trưởng trong nước (Bộ Công Thương), đang tồn tại tình trạng DN lợi dụng khuyến mãi để thực hiên các hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái… gây ảnh hưởng tới lòng tin, sức khỏe người tiêu dùng. Các DN trong nước sản xuất đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, có chất lượng và được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài.
Đáng buồn hơn, nhiều mặt hàng, sản phẩm dù đã được Bộ Công thương phê duyệt và “chứng nhận” là hàng Việt, nhưng nhiều hồ sơ mời thầu vẫn tiên quyết đưa ra yêu cầu “phải là hàng nhập ngoại”.
“Chính điều này đã cản trở bước tiến của hàng Việt vào sâu hơn với thị trường, khiến DN Việt sản xuất hàng Việt không có khả năng cạnh tranh và tham gia thầu” – Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết.
Vì thế, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy kết nối DN, xúc tiến thương mại nội địa; tập trung vào các nhóm hàng nông sản, hàng tiêu dùng, sản phẩm cơ khí… để thúc đẩy tăng tiêu thụ trong nội địa, giảm áp lực xuất khẩu.