Big C bán thịt lợn nghi bị bệnh: Đơn vị cấp giấy kiểm dịch lên tiếng
Đã qua mấy ngày nhưng hiện số thịt heo nghi nhiễm bệnh tại siêu thị Big C Gò Vấp (TP.HCM) vẫn chưa được xác định rõ đây là loại bệnh gì và nguồn gốc từ đâu.
Pha lóc thịt heo ở một siêu thị chuẩn bị đưa ra quầy. Ảnh minh họa. |
Trước đó, trả lời về việc người tiêu dùng mua phải thịt heo nghi nhiễm bệnh lợn gạo tại Big C Gò Vấp ngày 10/3, đại diện truyền thông Big C Việt Nam khẳng định lô hàng này đã có giấy chứng nhận kiểm dịch thú y do cơ quan thú y Đồng Nai cung cấp.
Trao đổi với PV ngày 13/3, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết: Hiện mẫu heo bệnh này đang được Chi cục Thú y TP.HCM lưu giữ. Do đó, Chi cục Thú y Đồng Nai đang phối hợp với TP.HCM tiến hành xét nghiệm xem số thịt heo đã nhập hôm 10/3 tại siêu thị Big C Gò Vấp là loại bệnh gì.
Sau đó, Chi cục mới làm bước thứ 2 là xem nguồn này ở đâu rồi mới có kết luận chính xác.
Cũng theo ông Quang, từ trước tới nay, Chi cục chưa để xảy ra trường hợp sai sót nào trong kiểm dịch. Bản thân ông Quang cũng rất ngạc nhiên khi có sự xuất hiện heo nghi nhiễm heo gạo ở siêu thị Big C.
Bởi heo gạo là heo bị mắc bệnh sán dây và muốn truyền bệnh phải qua kí chủ trung gian. Do đó, những đàn heo nuôi thả rông mới bị mắc phải còn heo nuôi trong điều kiện chăn nuôi công nghiệp thì việc lây nhiễm là rất khó xảy ra.
Big C mới chỉ tiết lộ đơn vị chăn nuôi liên quan ở đây là Công ty cổ phần chăn nuôi CP. Còn danh tính nhà cung cấp thịt heo vào siêu thị này vẫn chưa được tiết lộ.
“Việc này liên quan đến nhiều nguồn giữa TP.HCM và Đồng Nai nên chúng tôi đang phối hợp để làm rõ sự việc”, ông Quang cho biết thêm.
Trao đổi với PV về quản lý chất lượng đầu vào của các siêu thị, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho rằng, quản lý thị trường đã thường xuyên kiểm tra các mặt hàng tại siêu thị. Riêng thực phẩm tươi sống thì không thuộc phạm vi kiểm tra của quản lý thị trường.
Theo ThS. BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM, sán thịt heo sẽ phát triển thành sán trưởng thành trong đường ruột người bệnh. Khi các đốt sán già sẽ rụng ra và phát tán qua đường tiêu hóa. Con heo ăn phải sẽ bị nhiễm ấu trùng gạo. Và khi người ăn phải thịt heo này sẽ bị nhiễm sán xơ mít.
“Một số trường hợp đặc biệt, đốt sán già sẽ chui ngược lên đường ruột, dạ dày. Trứng trong đốt sán sẽ vỡ ra, hấp thu vô máu, đi khắp cơ thể người tạo ra nang sán ở não, gan, tim, mắt… có thể gây tử vong”, BS Mẫn nói.
BS Mẫn cũng nhấn mạnh thêm, những người làm trong kiểm dịch thịt động vật có thể phát hiện ngay ra bệnh này khi vạch lưỡi con heo thấy góc trong lưỡi có những nốt nhỏ màu trắng. Còn với thịt heo sẽ xuất hiện những nốt to như hạt đậu, có màu trắng ngà ngà trong thớ thịt heo. Để không mắc bệnh, người dân cần nấu chín thịt heo trước khi ăn và không mua thịt không rõ nguồn gốc.
Infonet sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh vụ việc này.