Biệt thự trái phép ở Hải Vân thành nhà cho trẻ mồ côi, người già neo đơn?
Ngày 4/2 sẽ công bố quyết định tháo dỡ các biệt thự trái phép
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho hay, theo kế hoạch, ngày 4/2 tới, UBND quận này sẽ chính thức công bố quyết định xử phạt hai hộ ông Phan Như Thạch (nguyên Giám đốc Công an Quảng Nam) và Ngô Văn Quang (Giám đốc Công ty TNHH Phước Minh ở Phước Sơn, Quảng Nam) do xây dựng trái phép các biệt thự trên đất rừng Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). Hai hộ này sẽ có 35 ngày để thực hiện quyết định của UBND quận Liên Chiểu.
Nhiều bạn đọc tỏ ý tiếc khi phải tháo dỡ các khu biệt thự này và đề nghị nền tìm cách nào giữ lại để phục vụ lợi ích xã hội, tránh lãng phí mà vẫn tuân thủ đúng quy định pháp luật (Ảnh: HC) |
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, theo phương án xử lý đã được quận Chiêu Chiểu báo cáo UBND TP Đà Nẵng ngày 28/1, UBND quận sẽ phạt vi phạm hành chính từ 40 - 50 triệu đồng và buộc hai hộ nêu trên tự tháo dỡ toàn bộ các công trình xây dựng trái phép (kể cả các biệt thự) trước ngày 10/3 (tức sau Tết Nguyên đán Ất Mùi). Sau thời hạn này, nếu hai hộ không thực hiện thì UBND quận Liên Chiểu sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định.
Sau khi báo đưa tin, đông đảo bạn đọc đã phản hồi, bày tỏ sự hoan nghênh. Bạn đọc có nick name Vinh Trần Thế nhận xét: “Kỷ cương được tôn trọng. Chính quyền quận Liên Chiểu, Đà Nẵng xứng tầm. Cảm ơn báo chí đã lên tiếng”. Bạn đọc Tam Nguyen đánh giá việc xử lý này là: “Ý Đảng lòng dân, thưởng phạt công minh”. Bạn đọc Giang Loc Son nêu rõ: “Rất ủng hộ quyết định của quận Liên Chiểu. Không thể có trường hợp cá biệt nào đứng trên pháp luật được”. Tương tự, bạn đọc Trung Le phản hồi: “Kỷ cương phép nước mà. Không ai có thể đứng trên Hiến pháp và Pháp luật!”…
Đề xuất từ bạn đọc
Bên cạnh đó, cũng có những bạn đọc tỏ ý tiếc nếu các khu biệt thự trị giá cả trăm tỉ đồng đó bị tháo dỡ. Bạn đọc Truong Diem bày tỏ: “Đập phá sao thấy cũng tiếc của quá”. Bạn đọc Hoài Việt thì đề xuất nên giữ nguyên các biệt thự này cho đỡ phí phạm, bởi “tiền của ai chả phải là tiền, là của cải xã hội”. Chưa kể nếu xảy ra cưỡng chế thì sẽ có nguy cơ trở thành điểm nóng như bạn đọc Tiến Hùng Nguyễn dự báo là “người dân sẽ kéo đi coi như đi coi pháo hoa”!
Tuy nhiên các bạn đọc cũng cho rằng “giữ nguyên” không có nghĩa là “xử phạt rồi cho tồn tại” như đề xuất trước đó của các Sở TN-MT, Xây dựng Đà Nẵng không được dư luận đồng tình. Theo bạn đọc Quang Lê: “Không được để làm tài sản riêng. Có để thì giao cho Hội Bảo trợ phụ nữ trẻ em Đà Nẵng!”. Bạn đọc Truong Diem đề xuất: “Hay nói ổng viết giấy để nhà nước sử dụng cho người già neo đơn nghỉ dưỡng được không?”. Tương tự, bạn đọc Kienzee LE nêu giải pháp: “Thôi thì làm nhà thương, cô nhi viện, hoặc làm chùa, nhà thờ gì đó có ích hơn!”...
Trả lời phỏng vấn Infonet, thay mặt hai gia đình, ông Ngô Văn Quang thừa nhận hành vi sai trái của mình và khẳng định họ hoàn toàn chấp nhận các quyết định xử phạt của chính quyền địa phương. Không chỉ tháo dỡ các biệt thự xây dựng trái phép mà nếu cơ quan chức năng xác nhận hai gia đình đã nhận chuyển nhượng trái pháp luật các diện tích đất “mọc” lên các biệt thự này (như lời ông Phạm Công Hùng, Thẩm phán TAND Tối cao mà báo Infonet đã nêu) và quyết định thu hồi thì họ cũng chấp nhận.
Song ông Ngô Văn Quang cũng bày tỏ: “Tôi làm cái này là muốn để lại cái gì đó tốt đẹp cho đời, không ngờ lại xảy ra sai phạm như vậy. Mọi việc đều có hoàn cảnh khách quan nhưng tôi không biện minh gì nữa mà chỉ xin gửi đến người dân và chính quyền TP Đà Nẵng, quận Liên Chiểu lời xin lỗi vì đã gây ra những phiền phức không đáng có. Tôi cũng thực tâm mong muốn các cấp xem có cách gì giúp tôi giảm bớt phần nào thiệt hại và giúp công trình tâm huyết cả một đời của tôi đỡ bị uổng phí!”.
Tránh lãng phí tài sản xã hội nhưng phải đúng luật
Trao đổi với PV Infonet, ông Lương Nguyễn Minh Triết nói: “Theo quan điểm cá nhân tôi thì tài sản nào cũng là tài sản, là vốn liếng xã hội, nó đã hình thành rồi, giờ phá đi thì cũng uổng lắm, tiếc lắm. Nếu có thể chuyển làm cái gì đó hoặc sử dụng như thế nào đó cho có ích thì hợp lý hơn, tốt hơn. Nhưng phải trên cơ sở đúng pháp luật. Phải làm sao để sai phạm phải được xử lý, nhưng tài sản cũng được giữ lại cho xã hội, đừng phải đập phá của cải của xã hội!”.
Theo Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, trong vòng 35 ngày, hai hộ ông Phan Như Thạch và Ngô Văn Quang cần thực hiện đúng quyết định của UBND quận Liên Chiểu là tự tháo dỡ các công trình vi phạm. Trong quá trình đó, họ có thể làm đơn xin cứu xét, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét tạm dừng thi hành quyết định để nghiên cứu theo hướng giữ lại của cải của xã hội. Nếu UBND TP Đà Nẵng thấy việc đó là hợp lý, hợp tình, phục vụ phát triển xã hội tốt hơn, phù hợp với quy hoạch của khu vực và chỉ đạo quận Liên Chiểu xử lý theo hướng khác thì quận sẽ chấp hành.
“Trước mắt, họ phải thực hiện đúng quyết định của UBND quận Liên Chiểu. Thực ra họ đã nhận thức rõ sai phạm, chấp nhận xử phạt của nhà nước. Như vậy là pháp luật đã thể hiện rõ sự nghiêm minh, không có vị nể, lách luật hay chống đối gì cả. Nhưng sau đó cũng nên nghiên cứu một hình thức nào đó hợp tình, hợp lý hơn để giữ lại được các khu biệt thự này, tránh lãng phí tài sản xã hội mà vẫn phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài cái lý thì cũng cần có cái tình để tránh cho cả khối tài sản trị giá tiền tỉ bị đập xuống bỏ không!” – ông Lương Nguyễn Minh Triết nói.