Biến rác thải thành 'kiệt tác', chàng trai miền Tây thu 500 triệu đồng mỗi năm
Những ngày cuối năm, anh Hứa Trần Phong (38 tuổi, ngụ xã Song Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cẩn thận kiểm tra từng kiện hàng trước khi giao cho khách. "Phải đảm bảo để từng sản phẩm đến tay người tiêu dùng đạt chất lượng tốt nhất", anh Phong chia sẻ.
Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học, anh Phong có 7 năm làm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của một bệnh viện lớn ở TP Cần Thơ, với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng.
“Nhiều hôm phải thức đến 1, 2h sáng để hoàn thành các thí nghiệm. Năm vợ sinh con đầu lòng, mình nhận ra đã dành quá ít thời gian bên gia đình. Công việc bận rộn cứ cuốn bản thân vào vòng xoáy của nó từ ngày này qua tháng khác, khiến mình không sao dứt ra được để có kỳ nghỉ bên vợ con”, anh Phong tâm sự.
Năm 2017, anh Phong quyết định nghỉ việc, dành nhiều thời gian bên gia đình, đồng thời theo đuổi đam mê sản phẩm mỹ nghệ, gia dụng, một thế mạnh vốn có của địa phương. Anh bắt đầu với vị trí quản lý sản xuất tại hợp tác xã làm đồ thủ công mỹ nghệ từ lục bình. Nhờ công việc này, anh Phong đã tích lũy kinh nghiệm, nắm bắt được thị trường cũng như thị hiếu người tiêu dùng.
Xuất phát từ suy nghĩ đi sau, đi chậm nên phải phát triển sản phẩm mới hoàn toàn, thay vì tiếp tục gắn bó với lục bình, anh lựa chọn cây chuối, loại nông sản được trồng nhiều ở miền Tây, đặc biệt là tỉnh Sóc Trăng.
Tại các vườn chuối lớn ở tỉnh Sóc Trăng, các nhân công thu hoạch bẹ chuối, sơ chế thành phẩm. Ảnh: NVCC
Anh Phong cho biết, thông thường người dân trồng chuối chỉ khai thác hoa lợi như: buồng chuối, bắp chuối, lá chuối… còn bẹ chuối được xếp vào nhóm phế phẩm vì không có giá trị sử dụng.
Tuy nhiên, bẹ chuối sau khi được phơi khô rất dẻo dai, có thể tạo ra các sản phẩm mỹ nghệ, gia dụng bền, đẹp, thân thiện với môi trường.
Trong thời gian nghỉ do dịch Covid-19, anh nghiên cứu, chế tạo máy se bẹ chuối khô thành sợi. Sau hơn nửa năm tìm tòi, học hỏi, làm hỏng đến 5 chiếc máy, anh cho ra đời máy sản xuất bẹ chuối khô, công suất khoảng 15kg dây thành phẩm mỗi ngày.
“Ban đầu, mình chỉ bán sản phẩm thô là sợi chuối cho các hợp tác xã, xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng lợi nhuận chẳng đáng là bao. Không những vậy, thời gian thực hiện giãn cách xã hội, gần 20 tấn sợi chuối không thể xuất bán, bị nấm mốc, hư hại toàn bộ. Chính từ ngày đó, mình mạnh dạn thành lập công ty, hướng tới phát triển đa dạng các sản phẩm gia dụng, mỹ nghệ từ sợi chuối”, anh Phong chia sẻ.
Hiện, công ty anh Phong có hơn 30 nhân công, sản xuất khoảng 500 loại sản phẩm chủ yếu từ sợi chuối, xơ dừa, lá buông... Riêng sợi chuối có thể làm khoảng 100 mặt hàng khác nhau như: giỏ quà, đèn trang trí, chậu hoa, vật dụng trong gia đình, khách sạn... với giá dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng mỗi sản phẩm.
Mỗi tháng, công ty của anh xuất ra thị trường khoảng 3.000 sản phẩm, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.
Cầm trên tay bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ được sản xuất từ sợi chuối, anh Hứa Trần Phong say sưa giới thiệu và chia sẻ giấc mơ về những hệ thống sản phẩm của mình.
Anh Phong cho biết, các sản phẩm được thị trường trong nước đón nhận một cách tích cực, chất lượng và mẫu mã được đánh giá cao. Tuy nhiên, công ty đang gặp khó trong việc tìm các đơn hàng đưa sản phẩm ra nước ngoài.