Biển Đông: Trò chơi 'dao 2 lưỡi' của Trung Quốc
Biển Đông: Trò chơi 'dao 2 lưỡi' của Trung Quốc
Trung Quốc không thể đăng kí được tên miền “Tam Sa”
Trung Quốc chuẩn bị tập trận bắn đạn thật trên biển Đông
Philippines tăng cường quân đội, không lùi bước ở Biển Đông
Trung Quốc vừa khánh thành cái mà nước này gọi là “thành phố Tam Sa”– một động thái khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng. |
Cho đến gần đây, Trung Quốc vẫn đi theo đường lối “phản ứng hiếu chiến” – tức là đáp trả mạnh mẽ những hành động mà nước này cho là khiêu khích tại vùng biển tranh chấp. Nhưng đến thời điểm này, có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã bỏ đi yếu tố “phản ứng” trong cách tiếp cận của mình.
Bắc Kinh đã thử nghiệm chiến thuật “phản ứng hiếu chiến” trong cuộc chạm trán tại bãi cạn Scarborough với Philippines hồi tháng 4.
Mặc dù chỉ trích Philippines chuyển từ một tình huống tranh cãi đơn thuần về đánh bắt hải sản sang tình huống đối đầu khi Philippines điều tàu chiến ra bãi cạn, Trung Quốc lại tranh thủ thời cơ này để tuyên bố chủ quyền tại bãi cạn bằng cách điều tàu thi hành luật phi quân sự và cho phép các tàu này neo đậu tại bãi cạn.
Trung Quốc cũng không ngần ngại dùng ván bài kinh tế để “trừng phạt” Philippines khi dùng các qui định ngặt nghèo hạn chế nhận các lô hàng hoa quả từ Philippines khiến quốc gia Đông Nam Á này thiệt hại tới 34 triệu USD.
Trong cuộc tranh cãi tháng trước với Việt Nam, Trung Quốc lại dùng tiếp chiến thuật phản ứng hiếu chiến này sau khi quốc hội Việt Nam thông qua Luật biển.
Khi những điều luật còn chưa ráo mực, Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố mà nước này gọi là Tam Sa bao gồm các quần đảo của Việt Nam và Philippines trên Biển Đông.
Hồi đầu tuần này, Quân đội Trung Quốc còn tuyên bố thành lập đơn vị đồn trú cho “thành phố” mới này.
Không chỉ có áp dụng chiến thuật hiếu chiến, hồi cuối tháng 6 Bắc Kinh còn để cho công ty dầu khí quốc gia nước này (CNOOC) mời thầu các lô dầu khi trên Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Những động thái trên cho thấy Bắc Kinh không muốn lùi bước trong cuộc tranh chấp và sẽ tiếp tục khẳng định quyền kiểm soát của mình với chính sách “không hợp tác” về vấn đề Biển Đông.
Trong lúc Trung Quốc “lấn lướt” Philippines và Việt Nam trong trò chơi ăn miếng trả miếng nguy hiểm này thì dư luận hi vọng các quốc gia ASEAN sẽ đứng sau các thành viên của mình. Nhưng điều xảy ra trên thực tế lại ngược lại.
Tại cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN diễn ra ở Phnom Penh, Trung Quốc đã khai thác sự chia rẽ của khối. Trung Quốc đã vận động Campuchia, hiện đang giữ chiếc ghế chủ tịch ASEAN, không để vấn đề Biển Đông được thảo luận tại hội nghị và lần đầu tiên trong lịch sử khối, ASEAN không thể đưa ra tuyên bố chung.
Khi hội nghị Phnom Penh đổ vỡ, có thông tin cho biết một tàu chiến hải quân của Trung Quốc đã xuất hiện gần bãi cạn Trăng Khuyết, bãi cạn chỉ cách đảo Palawan của Philippines 110km.
Bộ quốc phòng Trung Quốc tuyên bố con tàu này chỉ tiến hành các cuộc tuần tra hải quân thông thường, mặc dù rõ ràng địa điểm đó nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Có vẻ như con tàu này đang thực hiện một trong các cuộc tuần tra mà bộ quốc phòng Trung Quốc tuyên bố là để kiểm tra “sự sẵn sàng chiến đấu” nhằm đáp trả lại việc Việt Nam đưa máy bay tuần tra ở Trường Sa.
Điều tàu quân sự đến vùng biển tranh chấp có thể là dụng ý rằng Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật so với việc dùng tàu thi hành luật như vụ bãi cạn Scarborough. Động thái này của Trung Quốc đặc biệt nguy hiểm vì một khi đã đưa tàu chiến vào một cuộc tranh chấp thì nước này rất khó có thể rút lại.
Các tiếp cận ngày càng “trơ tráo” này của Trung Quốc có thể được lí giải một phần bởi thực tế là nước này không hài lòng với những gì mình đạt được trong năm 2011 bằng con đường ngoại giao và sau đó là chiến thuật phản ứng hiếu chiến.
Tình hình chính trị nội bộ Trung Quốc cũng khiến nước này có lập trường cứng rắn hơn về Biển Đông.
Trong lúc dư luận Trung Quốc đang rúng động về vụ bê bối Bạc Hy Lai thì biến cố bãi cạn Scarborough xuất hiện như là “cứu cánh” cho chính quyền, khiến dư luận nước này phân tán sự chú ý khỏi các bê bối trong nội bộ chính quyền và Đảng cầm quyền của họ.
Lúc này, một lần nữa Trung Quốc lại “diễu võ giương oai” trên biển, cũng một phần là để giúp chính quyền xua tan nỗi sợ hãi về sự bất ổn do quá trình thay đổi lãnh đạo quá nhanh của nước này.
Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nên thận trọng vì cách tiếp cận cứng rắn sẽ giống như "con dao hai lưỡi". Nó sẽ giúp chiến lược lấy châu Á làm trung tâm của Washington được thực hiện nhanh hơn do các nước ASEAN sẽ bị đẩy đến tình thế phải thân hơn với Mỹ.
Thêm vào đó, các cuộc tranh chấp chủ quyền cho đến nay vẫn đánh vào tinh thần yêu nước của người dân và dư luận Trung Quốc có thể sẽ gây sức ép lớn đối với chính phủ nước này. Chính phủ Trung Quốc sẽ thấy họ đang tự đưa mình vào tình thế tiến thoái lưỡng nan và bị buộc hàng phải động cứng rắn dù là chỉ mang tính biểu trưng.
Bị dồn vào chân tường không có lối thoát và buộc phải đối đầu quân sự sẽ là điều cuối cùng mà Bắc Kinh mong muốn
Lê Dung