Bí thư thành ủy: Hà Nội đã đặt mua máy bay chữa cháy
Cháy rừng, cháy nhà máy điện hạt nhân, cháy KCN, tòa nhà cao tầng… tất cả các “địa chỉ” có nguy cơ “bà hỏa” viếng thăm đều được ĐBQH đoàn Hà Nội lo lắng, đề cập tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật PCCC diễn ra vào sáng 28/5.
Thừa nhận việc sửa đổi luật PCCC là cần thiết, các ĐB đều cho rằng cháy nổ gây ra những tổn hại vô cùng lớn về người và của, để lại những hậu quả lâu dài. Thủy, hỏa, đạo, tặc là 4 cái nguy hiểm cần phải ngăn ngừa.
Theo ĐB Nguyễn Quốc Bình, mặc dù luật đã ra đời được 12 năm nay nhưng việc xây dựng các tòa nhà cao tầng hiện nay cũng không đạt được những yêu cầu đề ra. Nguy cơ cháy nổ trong thời gian qua rất lớn.
Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết Hà Nội đã mua máy bay phục vụ công tác PCCC. Ảnh minh họa |
Ông Bình đề nghị luật phải quy định trách nhiệm của người đứng đầu rõ hơn. “Đương nhiên người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về công tác PCCC. Nhưng người đứng đầu lại có thể ủy quyền cho người phó phụ trách. Trường hợp như thế luật phải thể hiện như thế nào?”. Ngoài ra ông cũng đề nghị trang thiết bị chữa cháy quy định cụ thể cho các chủ hộ, hộ gia đình tối thiểu là cái gì cũng phải định hướng trong luật.
Với nhận định các vụ cháy rất phức tạp, để lại những hậu quả nặng nề nhưng ĐBQH Nguyễn Phạm Ý Nhi vẫn tỏ ra quan ngại vì chưa biết khi luật được thông qua thì những bất cập hiện nay có được kiểm soát không. Những vụ cháy lớn gần đây như ở KCN Bắc Ninh, tổng kho ở Gia Lâm liệu sau này có khắc phục được?
“50% nguyên nhân gây cháy do ý thức chủ quan của con người. Có những chỗ PCCC còn lúng túng, chưa chuyên nghiệp. Phương tiện dụng cụ thiếu. Thang chữa cháy chỉ đến được tầng 17, vậy tầng cao hơn sẽ thế nào?”.
Đề cập đến vai trò của người đứng đầu, ĐB cũng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của họ thế nào, thiếu trách nhiệm ra sao? Khi thực hiện đền bù cũng cần phải xem tính khả thi đến đâu:
“Tôi nhớ khi đánh giá tai nạn giao thông, trách nhiệm người đứng đầu là chủ tịch các tỉnh, thành phố. Nhưng cũng chỉ nên xem trách nhiệm đến đâu thôi. Vì có thể họ làm tốt nhưng dân vẫn cứ uống bia, rượu khi tham gia giao thông. Tai nạn vẫn xảy ra, vậy phải quy trách nhiệm thế nào đây? Cái này cần nghiên cứu kỹ hơn nữa”.
“Chúng ta chưa tuyên truyền công tác PCCC tới người dân. Quy định vai trò của người đứng đầu là đúng. Nhưng có trường hợp chỉ một anh thợ hàn làm rơi một cái tàn cũng có thể gây ra một vụ cháy rất nặng nề. Cần tuyên truyền ý thức của người dân” – bà Nhi đề nghị.
Cùng thể hiện sự lo lắng về công tác PCCC gặp nhiều khó khăn ở những khu vực xe không vào được như ở khu phố cổ, chung cư cao tầng (đặc biệt từ tầng 30 trở lên)… ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh đề nghị tới đây phải đầu tư trang thiết bị cho công tác PCCC.
Trước những mối quan ngại các ĐB đề cập, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội – Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết hiện nay ở Hà Nội đã có xe đặc chủng phục vụ công tác PCCC. Loại xe này có thể vươn cao lên tầng 39, nhưng hiện loại xe này đang rất ít, mới chỉ có 1 – 2 xe thôi.
Trước băn khăn về việc từ tầng 17 trở xuống xe cứu hỏa vươn lên được, vậy tầng cao hơn thì như thế nào? Bí thư Hà Nội cho biết, về mặt thiết kế bản thân các tòa cao tầng đã có thiết bị PCCC theo yêu cầu. Trong những trường hợp cháy lớn, cháy to, trước tiên các tòa nhà đã có hệ thống báo cháy, chứ không phải chờ xe cứu hỏa tới.
Khi xảy ra hỏa hoạn các tòa nhà có thể tự xử lý ứng cứu được bằng nước, bọt, khí, thang thoát hiểm... Nên Chi phí nhà cao tầng lớn hơn nhiều so với nhà thấp tầng. Bên cạnh đó Hà Nội cũng đã nghĩ đến phương án mua phương tiện để phục vụ công tác PCCC.
“Thành phố Hà Nội đã có đề nghị mua trực thăng. Trong trường hợp tự chữa không được thì áp dụng phương tiện hỗ trợ. Đến ngày hôm nay chưa thấy có trực thăng đưa về, nhưng kế hoạch mua sắm đã được đặt ra... Tôi nói vậy để chúng ta đừng quá lo lắng đến mức cháy ở tầng cao thì vô phương cứu chữa. Không đến mức thế đâu” – Bi thư Hà Nội trấn an.