Bí thư Thanh Hóa: Bà con Sầm Sơn cứ tiếp tục đi biển bình thường
-
09:28 ngày 07/03/2016
Ngay đầu giờ buổi đối thoại, hàng trăm người dân các địa phương như xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn của Thị xã Sầm Sơn (Thanh Hoá) đã tập trung chật kín hội trường tại hội trường Trung tâm bồi dưỡng thanh thiếu niên thị xã Sầm Sơn.
Bắt đầu buổi đối thoại, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo về một số dự án du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong đó nhắc lại một lần nữa với người dân về dự án không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, Thị xã Sầm Sơn.
Ông Nguyễn Đức Quyền cho biết, bãi biển Sầm Sơn có chiều dài 3,5km, là bãi biển nổi tiếng miền Bắc. Dự án không gian du lịch ven biển đường Hồ Xuân Hương được thiết kế, phê duyệt gồm 13 khu chức năng, dự án có tổng mức đầu tư 316 tỷ đồng. Đầu tư bằng xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư, đã chọn nhà đầu tư và triển khai xây dựng là Tập đoàn FLC.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trò chuyện với người dân trước buổi đối thoại Về bãi biển, ông Quyền khẳng định: “Nhà đầu tư sẽ quản lý kinh doanh dịch vụ trong phạm vi các kiốt xây dựng. UBND Thị xã Sầm Sơn quản lý các công trình công cộng, bãi biển, vườn hoa, cây xanh. Biển Sầm Sơn vẫn là biển chung, cho cả khách du lịch, cho cả nhân dân và ngư dân Sầm Sơn, chứ không phải như một số thông tin là giao toàn bộ bãi biển cho nhà đầu tư”.
Toàn bộ bãi biển là quản lý của nhà nước, mọi người dân đều sở hữu. Theo báo cáo, Quảng Cư, Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn có 705 bè, mủng của ngư dân đang làm nghề khai thác cá biển. Chủ yếu là các bè, mảng có máy công suất 8CV, 9CV, 20CV...
-
09:41 ngày 07/03/2016
Hàng trăm người dân của thị xã Sầm Sơn đã đến tham dự buổi đối thoại. -
09:42 ngày 07/03/2016
Sau phần trình bày của Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, cuộc họp bước vào phần người dân đưa ra ý kiến, kiến nghị.
-
10:14 ngày 07/03/2016
Anh Vũ Đình Chiến, ngư dân phường Trường Sơn (TX Sầm Sơn) đề nghị: “Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương của tỉnh, của các cấp về việc đầu tư du lịch sao cho hiện đại, thu hút du khách. Nhưng nếu di chuyển, sắp xếp lại phải hợp lý, chúng tôi hiện giờ ngày kiếm được 10 đồng, nay vì dự án có thể ngày kiếm 7 đồng cũng được nhưng nếu chuyển chúng tôi đi xa cả gần 10km thì không thể đi biển được. Tôi tính nếu đi ra đến cảng Hới (thuộc xã Quảng Tiến) cách dân chúng tôi gần 10km, một năm cũng mất 20 triệu đồng. Dân chúng tôi tha thiết mong, không cần nhiều đâu, chỉ cần để lại cho dân chúng tôi từ 500 m đến 1.000 m chiều dài bờ biển để lấy chỗ neo đậu, đi biển là được”.
Anh Vũ Đình Chiến nêu ý kiến Anh Cao Sỹ Hải, ngư dân phường Trung Sơn cũng đề nghị phải để lại một diện tích để ngư dân Sầm Sơn làm bến neo đậu tàu thuyền, đi biển cho thuận tiện, chứ chuyển đi nơi khác, theo quy hoạch xa đến gần chục km thì không thể đi biển được.
Nhiều ý kiến của người dân còn đề nghị, thời điểm hiện tại chưa thể giải bản tàu thuyền dưới 20CV được. Đó là nghề chính của 705 gia đình với hàng nghìn nhân khẩu. Ý kiến của ngư dân khẳng định không di dời đi nơi khác neo đậu được, vì nếu chuyển đi sẽ rất xa, không thể đi biển.
Ông Cao Sỹ Vàng nêu ý kiến Tiếp tục ý kiến, ông Cao Sỹ Vàng, ngư dân Sầm Sơn cho biết: Nghề biển bằng thuyền mủng đã tồn tại bao đời nay, nuôi sống bao nhiêu thế hệ người dân Sầm Sơn, nay nói giải bản là không được. Đề nghị các cấp quan tâm giúp đỡ người dân.
Hiện, người dân vẫn đang tiếp tục nêu ý kiến, kiến nghị.
-
10:46 ngày 07/03/2016
Sau khi nghe hơn 10 ý kiến, kiến nghị của người dân, khoảng 10h30 phút, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa bắt đầu tổng hợp ý kiến và trả lời người dân.
Trong những ngày qua tôi nghe rất nhiều thông tin hoàn toàn sai sự thực, đi ngược với chủ trương của tỉnh, nhằm kích động người dân. Một bộ phận người dân chưa được tuyên truyền nên đã tập trung đông người dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật.Ông Trịnh Văn Chiến nói: “Việc xảy ra mấy ngày qua (người dân tập trung đông người, nhiều ngày liền) là đáng tiếc. Dù góc độ nào, bản thân tôi nhận thấy mình có khuyết điểm, có trách nhiệm lớn với bà con.
Tôi xin khẳng định biển, bờ biển là của đất nước chúng ta, của người dân chúng ta. Không có chuyện tỉnh thu biển, thu bờ biển giao cho bất cứ doanh nghiệp nào, không có chuyện đó. Vì làm như vậy là trái với chủ trương, trái với đường lối chính sách của Đảng và nhà nước.
Sầm Sơn là bãi biển đẹp nhưng tiếc thay chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng. Do vậy, tỉnh có chủ trưởng cải tạo thành bãi biển đẹp nhất cả nước.
Hình ảnh của Thanh Hóa có tốt đẹp hay không, sự phát triển có tốt đẹp hay không thì hình ảnh của người Sầm Sơn rất quan trọng. Sầm Sơn đang là du lịch một mùa, sau này sẽ thành du lịch 4 mùa, bà con sẽ bán được hải sản quanh năm.
Chủ trương của Chính phủ, của tỉnh là đúng nhưng tất cả người dân chưa thông với việc di chuyển các bến thuyền và chính sách ban hành của tỉnh”.
Tiếp đó, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến trả lời các kiến nghị của người dân.
-
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến trả lời người dân
-
11:30 ngày 07/03/2016
Tiếp tục cuộc đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa ông Trịnh Văn Chiến nói: “Nếu bà con nào đồng ý với chủ trương, dự án và quyết định hỗ trợ của tỉnh thì nhận tiền, còn bà con nào không đồng ý thì cứ tiếp tục đi biển bình thường, không có bất cứ văn bản nào chỉ đạo bà con phải di chuyển tàu thuyền ở thời điểm nào hết. Tôi là người đứng đầu, nếu có, tôi hoàn toàn nhận trách nhiệm. Tôi đề nghị các ban ngành, đoàn thể thời gian tới giúp đỡ người dân ổn định sản xuất”.
Người dân lắng nghe Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trả lời Sau khi nghe Bí thư Tỉnh ủy khẳng định như trên, hàng trăm người dân tham dự cuộc đối thoại đã đồng tình. Nhiều ngư dân đã tỏ ra vui mừng khi nghe Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến kết luận.
Anh Phát, ngư dân phường Trung Sơn vui mừng nói: “Thật sự sau khi nghe ông Bí thư Tỉnh ủy nói là bà con cứ tiếp tục đi biển, neo đậu tàu thuyền bình thường, như cũ, chúng tôi quá vui mừng. chúng tôi không cần đền bù cao hay thấp, chỉ cần có bãi biển để đi biển, mưu sinh là được rồi”.
Các ngư dân khác đều đồng tình với cách giải quyết của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa sau cuộc đối thoại. Như vậy, ngư dân Sầm Sơn vẫn được neo đậu trên các bến thuyền bình thường.
Cuộc đối thoại đã kết thúc lúc 11h10 phút.
Theo VOV online