Bí thư Hà Nội nêu các tình huống khó xử về dân sự đất đai
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (Ảnh: ND) |
Đề cập đến Bộ luật dân sự sửa đổi ngày 13/11, đại biểu Nguyễn Đình Quyền “thấy lạ” vì là người viết tờ trình cho Luật từ năm 1996 nhưng Luật này lại không có gì mới so với luật trình Quốc hội năm 2005, thậm chí rất nhiều quy định đã bị bác.
“Triết lý của việc sửa luật này là gì? Tôi cho rằng triết lý quan trọng nhất khi sửa luật là tổng kết thực tiễn, cái gì vướng thì sửa, chứ cứ đọc sách nước ngoài và sửa cho phù hợp với nước ngoài thì không hợp lý. Nhìn lại trong luật sửa đổi này nhiều vấn đề không đúng thực tiễn, nhất là một số vấn đề, khái niệm dân đã quen sử dụng, sử dụng không vướng mắc gì thì không cần sửa đổi” - ông Quyền nói.
Đại biểu Quyền cũng tỏ ra băn khoăn về các quan hệ dân sự trong sở hữu đất. Trong Luật đất đai đã có quy định quan hệ của nhà nước và công dân về sở hữu đất đai, khi đưa tài sản sở hữu này vào giao dịch (cầm cố, thế chấp) dân sự thì phải điều chỉnh bởi các chế định Luật dân sự.
“Tôi không đồng tình với quy định này. Trong trường hợp đất đai đã là quyền tài sản thì trong quan hệ dân sự phải tuân theo nguyên tắc ngang giá, đồng ý thì giao dịch, chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính để thu hồi đất được” – ông Quyền nói.
Theo đại biểu Nguyễn Sơn – Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Luật dân sự quy định tất cả các quyền liên quan đến con người, cá nhân. Tuy nhiên theo đại biểu Sơn, cái khó khăn nhất của tòa án hiện nay là xem xét các giao dịch dân sự.
Trên thực tế có nhiều trường hợp 2 bên công dân đã thực hiện hết các quyền, nghĩa vụ với nhau như có hợp đồng viết tay, trao tiền đầy đủ nhưng vì một lý do nào đó chưa được công chứng hợp đồng. Trong khi tòa giải quyết lại phải yêu cầu có đăng ký ở văn phòng đất đai, nếu chưa đăng ký thì tòa rất khó xử lý.
Dẫn dụ về tài sản thừa kế, theo ông Sơn, nếu hết thời hiệu thực hiện quyền thừa kế, tòa án sẽ tạm giao cho người đang sử dụng tài sản đó tiếp tục quản lý nhưng chính quyền không cấp sổ đỏ cho người ta được vì chỉ là tòa tạm giao. Nếu không giải quyết được bài toán này khó đảm bảo được quyền lợi của dân.
Đại biểu Sơn đề nghị Luật cần quy định cụ thể các tiêu chí trong những trường hợp này: đã giao tiền, đã công chứng hợp đồng, đã đăng ký… thì tòa được xử thế nào, đến đâu chứ không phải tòa thích xử thế nào thì xử.
Đề cập đến những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu đất của công dân, trưởng đoàn ĐBQH – Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, theo Luật đất đai trước 2013, những ai sử dụng đất liên tục từ trước 2013 mà không ai tranh chấp thì được cấp sổ. Song thực tế phát sinh là nhiều trường trước đó họ đã chiếm đoạt đất công của nhà nước, nếu vẫn cấp sổ đỏ cho họ thì vô hình trung thừa nhận quyền lợi cho người chiếm đất bất hợp pháp.
Theo Bí thư Phạm Quang Nghị, ở Hà Nội đã xảy ra rất nhiều, trước năm 1993 có người "đánh liều" lấn chiếm đất của nhà nước, sử dụng từ đó đến nay không ai tranh chấp. Các giao dịch hoàn toàn thỏa thuận, ngay tình, nhưng trên các tài sản không được pháp luật thừa nhận hợp pháp.
Bí thư Hà Nội ví dụ ở Công viên Đống Đa, ngày xưa là bãi rác Thành Công. Lúc đó nhiều người nhặt rác xây lều tạm ở đó, nhà nước quản lý không tốt nên dần dần họ xây nhà rồi bán cho người khác. Việc mua bán này là ngay tình, "tiền trao cháo múc", ký tá đầy đủ. Đến bây giờ Hà Nội giải tỏa để xây dựng Công viên Đống Đa phải đền bù rất nhiều tiền, không đền bù họ không đi, vậy phải xử lý thế nào?
Một trường hợp khác được ông Phạm Quang Nghị dẫn dụ là cư dân ngoài sông Hồng khi xây đê đã có các làng như Tứ Liên, Yên Phụ… Giờ theo luật thì những người trong đê được xây dựng theo luật xây dựng, còn ngoài đê không được xây dựng. Vậy sẽ phải xử lý thế nào khi người dân có nhu cầu ở chính đáng? Thậm chí nhiều nơi làm ngơ cho họ xây dựng nhưng bắt ký cam kết, nếu có yêu cầu phá dỡ thì không đền bù. Những trường hợp như vậy xử lý thế nào?
Cũng theo Bí thư Hà Nội, những trường hợp giao dịch tự nguyên không có hợp đồng, công chứng nhưng đã có hiệu lực thực hiện rất lâu, ở Hà Nội rất nhiều. Chẳng hạn từ những năm 1960, nhiều người rất giàu có, nhiều tài sản, hiến tặng biệt thự cho cơ quan, đơn vị, có người hiến tặng, cho ở nhờ có hợp đồng… Việc này là tự nguyên, thời gian đã rất lâu nhưng giờ mảnh đất có giá trị thì quay lại đòi, người đang sử dụng không có giấy tờ gì chứng minh là đất của mình, nhưng bản thân người hiến tặng đi đòi cũng không có đầy đủ pháp lý…
“Việc sửa đổi luật phải cố gắng giải quyết được các vấn đề này, nếu không cơ quan pháp luật rất khó xử lý” – Bí thư Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.