Bí thư Đoàn Thanh niên Nguyễn Đắc Vinh trả lời các câu hỏi từ Facebook TTCP
Bạn Nguyễn Phương Mai (TP. Hồ Chí Minh): Sử dụng Facebook nói riêng và mạng xã hội hiện nay đã trở thành một xu hướng tất yếu của giới trẻ. Tôi thấy đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn có sử dụng Facebook. Xin hỏi là với một người có vị trí như anh thì việc sử dụng Facebook có khó khăn, có gì nhạy cảm không? Đoàn Thanh niên đã khai thác các ứng dụng, tiện ích của mạng xã hội để truyền tải thông tin và định hướng giáo dục cho thanh niên như thế nào? Và lợi ích của mạng xã hội trong việc phát huy thanh niên tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như thế nào?
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Tôi rất cảm ơn câu hỏi của bạn. Tôi suy nghĩ mạng xã hội cũng là một loại phương tiện, một loại công cụ để chúng ta chia sẻ thông tin, chúng ta kết nối với nhau. Cho nên nếu chúng ta sử dụng nó với mục đích tốt, nếu chúng ta biết vận dụng những điều tốt đẹp của mạng xã hội mang lại thì chúng ta hoàn toàn có thể làm những điều rất tốt. Cho nên tôi sử dụng mạng xã hội cũng với suy nghĩ là làm sao mình kết nối được rộng rãi thanh niên, làm sao để có nhiều thông tin về thanh niên, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Mình hiểu được càng nhiều và tường tận cuộc sống thì mình càng có những suy nghĩ đúng đắn hơn, chín chắn hơn để khi tham gia bàn bạc thảo luận về những đường lối phát triển của Đoàn, sẽ sát thực tiễn hơn.
Cho nên tôi thấy là, với Facebook, nếu như trước đây tôi muốn tìm hiểu về một phong trào thì nhiều khi tôi phải đến tận nơi, hoặc tôi phải gọi điện hỏi rất kỹ. Nhưng hiện nay nếu các bạn đưa lên những hình ảnh, những đoạn video ngắn ở những nơi tôi chưa từng đến, tôi có thể ở bất kỳ nơi nào trên đất nước Việt Nam mà vẫn xem, hình dung được về hoạt động của nơi đó.
Phần thứ hai và phần thứ ba tôi muốn nhờ đồng chí Lê Quang Tự Do, Trưởng ban Tuyên giáo của Trung ương Đoàn sẽ trao đổi thêm với các bạn thanh niên.
Đồng chí Lê Quang Tự Do, Trưởng ban Tuyên giáo của Trung ương Đoàn: Rất cảm ơn câu hỏi của bạn vì đây là một cái vấn đề mà thực sự là tổ chức Đoàn rất quan tâm. Tôi xin trả lời ngắn gọn thế này thôi. Đoàn thanh niên đã khai thác những tiện ích sử dụng trên mạng xã hội, hiện nay chúng tôi đang tập trung vào 3 vấn đề: Một là, chúng tôi cùng với các tỉnh, thành đoàn trên cả nước xây dựng những trang, chúng ta gọi là cộng đồng đấy, trên Facebook gọi là page, để tuyên truyền, giới thiệu về những thông tin hoạt động của Đoàn, của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Đội Thiếu niên tiền phong. Và các bạn có thể thấy là không chỉ có đồng chí Bí thư thứ nhất mà tất cả các tỉnh, thành đoàn và các đồng chí ở trong Ban Bí thư thường vụ đều có những trang facebook để lan tỏa những thông tin này.
Thứ hai là chúng tôi vận động cán bộ đoàn, các cấp Đoàn xây dựng những sản phẩm truyền thông trên mạng xã hội. Ví dụ như những bộ ảnh, những video clip đăng tải những bộ ảnh các hoạt động đoàn tại địa phương của mình.
Thứ ba là chúng tôi cũng kết nối với những bạn admin của các trang Facebook nổi tiếng khác, những người nổi tiếng để cùng tham gia, đưa tin, tuyên truyền các hoạt động của tổ chức Đoàn. Tiện ích thì rất lớn, đây là kênh thông tin hữu hiệu để có thể lan tỏa được rất nhiều thông tin về đoàn đến với giới trẻ và qua một hình thức rất gần gũi chứ không phải nặng nề… các bạn cảm nhận và đến với tổ chức đoàn một cách tự nhiên.
MC: Thưa anh Vinh, một ngày anh dùng bao nhiêu thời gian cho Facebook?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Facebook là một tiện ích rất dễ theo dõi. Bây giờ chỉ cần mở điện thoại hoặc máy tính là chúng ta thấy ngay được thông tin trên Facebook. Còn tôi thấy ví dụ như có những từ khóa như “hoạt động Tháng Thanh niên” hoặc là “tình nguyện”. Nếu các bạn thanh niên đưa thông tin, hoạt động của các mình lên thì chỉ cần có từ khóa thôi, dù các bạn có ở xã, phường chúng tôi cũng biết đến những hoạt động của các bạn. Trong Tháng Thanh niên này, chúng tôi có thể theo dõi được thường xuyên và thấy rằng các hoạt động đã được phổ cập được xuống cơ sở rất nhiều.
MC: Nhân nhắc đến việc sử dụng mạng xã hội. Để chuẩn bị cho cuộc đối thoại trực tuyến này, chúng tôi cũng đã đưa thông tin lên trang Facebook Thông tin Chính phủ. Có một câu hỏi khá thú vị dành cho anh Vinh của bạn Nguyễn Văn Hương: Anh Vinh năm nay 42 tuổi. Tuổi nhiều hơn thì ngọn lửa thanh niên có ít đi hơn không?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Tôi đính chính một chút là tôi sinh năm 1972 năm nay tôi 44 tuổi rồi. Tuy nhiên, tôi thấy cái may mắn nhất của chúng tôi, những cán bộ Đoàn, được làm công tác Đoàn là chúng tôi thấy mình luôn luôn trẻ trung, luôn có niềm hạnh phúc từ công việc nên tôi luôn tâm huyết với công việc này. Đối với mỗi cán bộ Đoàn, khi tuổi tác lớn dần lên, chúng ta cũng cần phải dành cho những người trẻ hơn, sung sức hơn, những người có suy nghĩ, đồng cảm nhiều hơn với những người trẻ nên tôi nghĩ sẽ truyền lại cho những người trẻ để nuôi dưỡng phong trào thanh niên.
Bạn Hoàng Văn Thái: Theo Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam lần thứ nhất do Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) nghiên cứu, thanh niên Việt Nam thể lực kém, thấp còi nhất khu vực. Từ báo cáo này, có ý kiến cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do thanh niên Việt hút thuốc lá nhiều, sa đà rượu bia, bê tha cuộc sống. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Vấn đề này tôi sẽ nhờ anh Bùi Quang Huy, Trưởng Ban tổ chức Trung ương đoàn trả lời.
Đồng chí Bùi Quang Huy, Trưởng Ban tổ chức Trung ương đoàn: Theo tôi, trong những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chính sách phát triển thanh niên, trong đó đã có những biện pháp thúc đẩy về mặt dinh dưỡng, thể dục thể thao, bổ sung thiết chế cho các bạn sinh viên, đặc biệt trong việc rèn luyện để nâng cao tầm vóc của thanh niên Việt Nam.
Đương nhiên, nếu chúng ta nhìn ra thế giới thì phát triển tầm vóc của chúng ta có thể chưa bằng các nước bạn. Tuy nhiên, theo những số liệu thống kê gần đây, tầm vóc của các bạn sinh viên Việt Nam cũng đã được cải thiện đáng kể. Tôi hy vọng với việc tập luyện một môn thể thao nào đó thường xuyên, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý, các bạn sinh viên Việt Nam sẽ có một tầm vóc tốt hơn. Tôi thấy, hiện nay tầm vóc của các bạn sinh viên thế hệ 9X đang tốt hơn rất nhiều thế hệ 7X.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Theo tôi tầm vóc của con người phụ thuộc rất nhiều vào gene di truyền của dân tộc đó, phụ thuộc vào dinh dưỡng và chế độ rèn luyện. Có thể là một bộ phận thanh thiếu niên uống rượu nhiều, không chú trọng đến thể dục thể thao sẽ ảnh hưởng đến phát triển về mặt thể hình. Chính vì vậy, nếu chúng ta không siêng năng tập luyện thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến tầm vóc của chúng ta.
Bạn Nguyễn Tuyết: Em muốn hỏi về dự án "Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020" ạ. Em là sinh viên tốt nghiệp vào tháng 3/2016. Em muốn tham gia đề án thì làm thế nào? Có còn cơ hội không?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Câu hỏi này tôi xin chuyển đến đồng chí phụ trách trực tiếp đề án này đến từ Bộ Nội vụ sẽ giúp chúng tôi trực tiếp trao đổi với bạn.
Ông Vũ Đăng Minh – Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên thuộc Bộ Nội vụ: Xin cảm ơn bạn đã quan tâm đến đề án này. Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với Trung ương Đoàn triển khai. Mục tiêu của dự án phấn đấu đến năm 2015 có được 500 trí thức trẻ có trình độ đại học tình nguyện về bố trí chức danh công chức tại các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.
Đến tháng 6/2015 chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu đủ 500 trí thức trẻ về làm việc ở xã. Giai đoạn này chúng tôi tập trung hỗ trợ các bạn trí thức trẻ ở các xã xây dựng các chương trình, đề án phát triển KTXH tại địa phương, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành đánh giá giai đoạn 1 của dự án để xin phép nhân rộng mô hình này.
Bạn Lê Hoàng Quyết: Mình có đề xuất là Trung ương Đoàn nên ban hành những quy định chung về các tên tiếng Anh của tổ chức Đoàn, Hội từ cấp Trung ương đến cấp chi đoàn, chi hội. Hiện tại chỉ có Thông tư 03 của Bộ Ngoại giao là có quy định cho hệ thống hành chính nhà nước, còn các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội vẫn chưa có quy định riêng.
Thực tế cho thấy trong qua trình hội nhập và phát triển, các tổ chức Đoàn có ngày càng nhiều mối giao lưu phối hợp với các tổ chức nước ngoài, Tổ chức thanh niên các nước trên thế giới, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới và các thành phố lớn trong cả nước. Tuy nhiên chưa có quy định chung về các chức danh, tên tổ chức Đoàn nên nhiều nơi còn sử dụng khác nhau. Tổ chức Đoàn của các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước mong muốn có tên gọi bằng tiếng Anh các cấp Đoàn từ Trung ương đến chi đoàn, chi hội.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Chúng tôi rất cảm ơn bạn, lâu nay chúng ta vẫn dịch, vẫn đưa tên gọi tiếng Anh, nhưng đúng là phải có sự thống nhất. Chúng tôi sẽ tiếp thu và Ban Quốc tế của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ thực hiện công việc này.
Theo Facebook Thông tin Chính phủ