Bí thư Đà Nẵng vạch 17 "bệnh" của cán bộ thành phố

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, ông Trần Thọ, chỉ ra 17 loại bệnh đang tồn tại trong đội ngũ cán bộ, công chức các sở, ngành, địa phương, đơn vị của thành phố. Theo ông, tuy đó chỉ mới là hiện tượng nhưng nếu không được cảnh tỉnh, cảnh báo kịp thời sẽ dễ dẫn tới mất cán bộ.

Cảnh tỉnh, cảnh báo để hiện tượng không trở thành bản chất!

Như tin đã đưa, ngày 1/11, Thành uỷ Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU (20/10/2003) của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng về tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống; kiên quyết chống các hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, cửa quyền, hách dịch đối với nhân dân của cán bộ, công chức các cấp và Nghị quyết 09-NQ/TU (14/4/2004) của Ban Thường vụ Thành uỷ về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực.

Bí thư Đà Nẵng vạch 17
Ông Trần Thọ, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, phát biểu tại hội nghị ngày 1/11 (Ảnh: HC)

Tại đây, ông Trần Thọ, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng đã nhấn mạnh: "Bên cạnh số đông cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phấn đấu vươn lên thì vẫn còn một bộ phận, tôi không dám nói là bộ phận này không ít hay là bộ phận nhỏ, chưa gìn giữ phẩm chất, đạo đức, chưa làm tròn chức trách của mình, chưa thật sự vì dân, chưa thật sự lo cho dân!".

Theo ông Trần Thọ, bộ phận này dù chưa nhiều nhưng cần phải cảnh tỉnh, cảnh báo; dù mới chỉ là hiện tượng nhưng cũng nên phê phán, không để hiện tượng đó lặp đi lặp lại nhiều lần trở thành bản chất, dễ dẫn đến mất cán bộ. Do vậy, dù chỉ mới là dư luận chứ chưa phải kết luận nhưng ông Trần Thọ cũng nêu lên 17 vấn đề, hiện tượng để từng người, nhất là thủ trưởng các cấp, các ngành suy ngẫm có hay không? Có ở mức độ nào? 

Có liên kết "cò" đất với cán bộ các BQL dự án không?

Ông Trần Thọ nhấn mạnh: "Giải toả đền bù, bố trí tái định cư: Muốn bố trí đất ở ngã ba, ngã tư, đất ở vị trí tốt có ra giá không? Có chung chi không? Hai năm lại đây có khá hơn, có tiến bộ hơn, có bớt đi, có dừng lại nhưng trước đó có không? Nhà của dân chưa giải toả, chưa đền bù nhưng lập biên bản giải toả rồi, có phiếu đất (tái định cư - PV) rồi, được nhận tiền (đền bù - PV) rồi. Và người nhận tiền là "cò". Có không? Ban nào? Đơn vị nào? Nhà người ta còn đang ở như thế mà biên bản ký đủ chữ ký hết. Chủ tịch phường cũng ký vô, BQL dự án cũng ký vô, chỉ phiếu đất luôn, cho nhau nhận tiền luôn đem về chia phần trăm. Có không? Có liên kết "cò" đất với cán bộ, nhân viên ở các BQL dự án không?

Bố trí đất ở, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Đất tái định cư cho dân thì chậm trễ mà cấp đất cho người không tái định cư thì nhiều. Những người chưa thật sự cấp thiết về nhà ở lại được cấp đất, xin đất để dành. Dân thì thiếu đất, cán bộ, viên chức thì xin đất. Người xin hoài không được, người thì được hai lần. Nể nang hay không biết mà tham mưu như thế? Dân nộp đơn chờ mỏi cổ, cán bộ đi đo đạc kéo dài thời gian của dân và doanh nghiệp. 40% dân không thích, 40% dân phàn nàn, 40% dân kêu ca về việc đó. Có không? Đúng hay sai?

Bố trí chung cư: Chương trình "3 có" (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị - PV) đậm tính nhân văn, gom góp từng đồng từ ngân sách TP xây chung cư cho người nghèo thuê, không để họ sống nhếch nhác nhưng bị lợi dụng một cách méo mó. Người cần thì chưa cho thuê, người chưa cần thì được thuê. Người thuê không dùng mà ngang nhiên bán lại cho người khác lấy lời cả trăm triệu đồng, có khi còn hơn. Trong đó có cán bộ.

Mới sơ bộ kiểm tra 30 trường hợp, buộc thu hồi 22 trường hợp. Cán bộ trong đó, viên chức trong đó, công chức trong đó, thậm chí có đảng viên trong đó. Cái đó là cái gì? Nạn "cò" lừa đảo chung cư có không? Lừa gạt người nghèo, nhất là những người quá nghèo, hiện nay đã xử xong, tống giam 4 trường hợp, còn 6 trường hợp tháng 11 này tiếp tục xử. Cái đó là cái gì?

Cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản: Vai trò tham mưu không chuẩn xác. Có thiên vị không? Khối lượng hoàn thành nhiều nhưng đề xuất cấp vốn ít, khối lượng hoàn thành ít lại đề xuất cấp vốn nhiều. Người quen thì cấp trước, người thường cấp sau. Có "sân sau, sân trước" không? Có thể nói là có, nhưng đến nay đã khéo léo chuyển đổi rồi. Việc này kể cả ở dưới quận, kể cả các sở, các ngành là cái gì? Kiểm tra thử có hay không? Chính xác hay không? Tôi nói lại, đây mới là dư luận, đây mới là cá biệt nhưng nếu không cảnh tỉnh, không cảnh báo, không phê phán thì nó sẽ trở thành bản chất một cách nguy hiểm!".

"Nghiện" dạy thêm, "nghiện" lạm thu

Giáo dục: Một số người dạy thêm đã trở thành "cơn nghiện". Tôi dùng chữ "nghiện" dạy thêm. Một số trường lạm thu cũng trở thành nghiện. Tại sao tôi nói nghiện? Không có đầu năm học nào mà hai chuyện này không xảy ra. Gần như 10 năm nay, năm nào cũng xảy ra. Đầu năm lạm thu, trong năm dạy thêm. Cấm thì cứ cấm, dạy thì cứ dạy. Cấm lạm thu thì cứ cấm, nhưng thu thì vẫn có nhiều cách thu. Một tuần lễ vừa qua, 3 - 4 số báo đăng liên tục về lạm thu, dạy thêm ở Đà Nẵng, quận Liên Chiểu cũng có, Thanh Khê cũng có, Hải Châu càng có. Đó là cái gì? Nghiện chưa?

Y tế: Bác sĩ kê toa thuốc thì bệnh nhân đọc không nổi. Cái này nói không biết bao nhiêu lần mà không hiểu vì sao? Hay là cái mốt chỉ có bác sĩ viết chữ như rứa? Phân trực ca ban đêm thì đầy đủ, nhưng không thấy người. Cá biệt có cán bộ bệnh viện tham ô, đang bắt giam. Ở Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu đó. Khám và điều trị ở bệnh viện công thì không thân thiện, không từ mẫu như ở bệnh viện tư và phòng khám tư dẫn đến bức xúc. Có không? Mới 70% người dân hài lòng về các dịch vụ y tế ở bệnh viện, còn 30% rất bức xúc. Mình nhìn cái Hoài Đức, cái Cát Tường... mà nghĩ đến ta, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chúng ta.

Cấp phép quản lý quảng cáo, quy hoạch, xây dựng, đăng ký kinh doanh, thẩm định...: Có hay không tình trạng ngâm hồ sơ? Cá biệt có hồ sơ ngâm đi ngâm lại như... ngâm tre. Hôm qua tôi mới nói với anh Văn Hữu Chiến (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - PV). Ai ngâm rồi sẽ chỉ. Ngâm quá lâu. Ngâm mà người ta ngán ngẩm luôn. Rồi yêu cầu bổ sung hồ sơ lằng nhằng, nói xuôi cũng được mà nói ngược cũng xong. Thẩm định hồ sơ vừa kéo dài thời gian, vừa chuyển qua chuyển lại lòng vòng, hết sức chậm trễ. Cùng một sự việc nhưng khi thì người này được, lúc thì người khác không được, chả biết vì sao?

Quản lý thị trường, thuế vụ, kiểm lâm, hải quan: Có lợi ích đôi bên không? Có phải trả chi phí không chính thức không? 19,2% doanh nghiệp nói có điều này là con số phải suy nghĩ, phải tham khảo. Xử lý kỷ luật 446 cán bộ, đảng viên vi phạm thì xếp thứ tự từ cao đến thấp như thế này: Dẫn đầu là ông tài chính, ông thuế; thứ nhì là ông đất đai; thứ ba là ông giáo dục; thứ tư là ông y tế; thứ năm là ông kiểm lâm; thứ sáu là ông quản lý thị trường; thứ bảy là ông hải quan. Thế đấy!

Thanh tra xây dựng, thanh tra giao thông, quy tắc đô thị, cảnh sát giao thông: Có hiện tượng biết điều thì không phạt hoặc phạt ít hơn. Người quen thì không phạt, người lại phạt tới bến. Rồi tình trạng xây nhà trái phép, không phép vẫn còn xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật có biết không? Chủ tịch phường có biết không? Đội quy tắc đô thị có biết không? Biết nhưng vì sao để xảy ra? Tiêu cực hay nể nang? Thậm chí có người còn ký lùi (ký lùi thời gian để hợp thức hoá - PV). Không phải một trường hợp đâu mà nhiều trường hợp lắm, nhiều nơi lắm!".

Tới nghĩa trang cũng không chừa!

"Nghĩa trang: Tới nghĩa trang mà cũng không chừa. Người chết rồi mà cũng không yên tâm chứ có phải đâu. Có thông đồng bắt tay với "cò" mộ không? Không chỉ "cò" đất mà còn "cò" mộ nữa đấy. Có cơ chế "nháy nháy" cho lô đẹp không? Lô đôi không? Lô làm mộ gió không? Tại sao khi dân tự xây mộ thì bị kẻ xấu đập phá, còn thợ ngoài vào xây giá cao hơn thì vẫn đảm bảo bình yên? Quản trang ở đâu, hay là quản trang bắt tay?

Công an, Chủ tịch phường: Vừa rồi tổng kết nội chính có 4 - 5 cái tăng. Ma tuý tăng, trộm cắp tăng, nạn cờ bạc tăng, nạn bảo kê tăng. Công an né tránh. Biết nhưng ngại va chạm, xử lý không kịp thời. Khi vụ việc xảy ra xong rồi mới đến lập biên bản. Để tình trạng tăng như thế rất nguy hiểm. Tinh thần trách nhiệm ở đâu? Thái độ công vụ ở đâu?

Công chứng nhà nước, nhất là công chứng động sản, bất động sản, thừa kế: Có hạch sách không? Có gây trở ngại cho dân không? Người dân gọi điện đến tôi, bảo đi công chứng mà cũng bị hạch sách. Hướng dẫn không đến nơi đến chốn, không rõ ràng, hạch sách, nhũng nhiễu. Tôi nhắn tin cho anh Nguyễn Bá Sơn (Giám đốc Sở Tư pháp - PV). Anh Nguyễn Bá Sơn kịp thời cử thanh tra cùng đích thân anh xuống kiểm tra, thừa nhận là có.

Trong khi đó, công chứng có sâu sát thực tế không? Có chính xác không? Có công chứng ẩu để người ta thế chấp vay vốn ngân hàng không có khả năng thanh toán không? Có! Tài sản đáng 10 đồng thôi, công chứng 30 đồng để họ đi vay ngân hàng, bây giờ vỡ nợ không thanh toán được. Truy ra là do ông công chứng. Tinh thần trách nhiệm, thái độ của các anh như thế à?

Thẩm phán, viện kiểm sát, điều tra viên, thư ký toà, chấp hành viên: Đã thật sự công tâm, khách quan làm đúng vai trò cán cân công lý chưa? Vì sao vẫn còn án oan sai? Khi khởi tố thì rất nặng, nhưng khi truy tố lại rất nhẹ? Nhiều lắm! Rồi xử nhưng không thi hành được. Xử thì cứ xử, án tuyên thì cứ tuyên nhưng không thi hành được. Đó là cái gì? Xem thử có ai trong ngành mình liên quan đến chạy án, chạy tội không?

Thi đua, khen thưởng: Có chạy thành tích để được khen thưởng, nhất là khen thưởng cho doanh nghiệp và khen thưởng bậc cao không?

Giải quyết đơn thư dân ở các cấp, các ngành: Vẫn còn tình trạng đọc đơn chưa kỹ, đọc đơn mà không đi kiểm tra thực tế, chuyển đơn lòng vòng, chuyển đơn là coi như xong. Thậm chí có trường hợp còn vô cảm.

Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ tại tổ một cửa: Chúng ta bình tĩnh xem thử, nghiệm lại thử đội ngũ đó có hăng hái, nhiệt tình với công việc không, hay bắt họ vô ngồi làm cho qua quận? Có tận tâm, tận tuỵ, lịch sự, ân cần hướng dẫn chu đáo cho người dân hay không? Có đảm bảo lịch hẹn trả hồ sơ cho dân không? Vì sao hiện nay còn nhiều hồ sơ vẫn trễ, dân vẫn kêu ca, vẫn phàn nàn. Hẹn, hẹn nữa, hẹn mãi. Vì sao? Cái đó cũng phải lưu ý!".

"5 xây, 3 chống"

Và ông Trần Thọ nêu ra kết quả do Sở Nội vụ bình xét về cải cách thủ tục hành chính hàng năm mà theo ông là không mấy vui vẻ: "Lẽ ra các ngành Tư pháp,  Kế hoạch - Đầu tư, Thanh tra, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Tài nguyên - Môi trường phải nằm trong tốp đầu về cải cách hành chính thì mới phục vụ tốt cho người dân, nhưng lại là các ngành nằm trong tốp cuối.

"Tôi nói lẽ ra anh phải nằm trong tốp đầu bởi vì anh liên quan nhiều, trực tiếp đến công dân và tổ chức. Trong 20 sở, ngành thì ông KH-ĐT xếp thứ 18. Ông Thanh tra xếp thứ 19. TN-MT có đến hai lần xếp thứ 20. Những Sở này lẽ ra phải nằm trong tốp đầu thì người dân mới có lợi. Những Sở thường xuyên tiếp xúc với dân mà nằm trong tốp cuối như thế có đáng buồn không?", ông Bí thư thành ủy Đà Nẵng đặt câu hỏi.

Bí thư thành uỷ Đà Nẵng tiếp tục nhắc lại: "Những vấn đề trên, tôi nói lại, tuy mới là hiện tượng, tuy mới là cá biệt nhưng nếu chúng ta không bình tĩnh nhìn nhận một cách hết sức chính xác và không có thái độ phê phán thì đội ngũ cán bộ của chúng ta dễ dẫn đến sai phạm. Những vấn đề này chỉ có thể khắc phục tốt khi người đứng đầu ở đơn vị luôn nêu gương, luôn thuyết phục, dẫn dắt và giữ vững kỷ cương, kiểm tra. Phải kiểm tra. Có khi cấp dưới làm, cấp dưới vi phạm mà cấp trên không biết vì thiếu kiểm tra.

Ông Trần Thọ nhấn mạnh, để khắc phục, cải thiện tình hình trên, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên dù ở bất cứ cương vị nào cũng phải luôn luôn rèn giũa mình về đạo đức. Đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội, thượng tôn pháp luật, chỉ làm những điều gì mà pháp luật cho phép chứ không được làm ẩu. Từng người, từng đơn vị phải rà soát lại, tự đánh giá mình về đạo đức, về năng lực, về sự cần mẫn, về thành tích, về sự liêm khiết.

Ông chỉ rõ, từ nay đến năm 2020 còn 7 năm nữa, nhất là trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ 20 Đảng bộ TP Đà Nẵng, công việc còn lại khá bộn bề. Bộ Chính trị đang giao cho Đà Nẵng một sứ mệnh quan trọng nữa sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về "xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước". Đó là Đà Nẵng tiếp tục xây dựng trở thành một đô thị lớn, một trung tâm kinh tế lớn của miền Trung - Tây Nguyên, động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

"Có làm được việc đó hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Với tinh thần đó, Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng sẽ ban hành Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị số 11. Trong đó, nội dung cốt lõi là "5 xây, 3 chống" gắn với việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 và Chỉ thị 03. "5 xây" đó là trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu; "3 chống" là chống quan liêu, chống tiêu cực và chống bệnh hình thức!" - ông Trần Thọ nhấn mạnh.

HẢI CHÂU

Đề xuất miễn visa cho khách thị trường trọng điểm

Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất miễn thị thực nhập cảnh đối với khách ở các thị trường trọng điểm như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia.

Khách nhiễm Covid-19 cố tình giấu bệnh lên máy bay có thể bị cấm bay vĩnh viễn

Trước khi lên máy bay khách có xét nghiệm xác nhận bị nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo trung thực có thể bị Vietnam Airlines cấm bay vĩnh viễn trên các chuyến bay của hãng.

VOV bổ nhiệm Phó giám đốc đài truyền hình kỹ thuật số VTC

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã quyết định bổ nhiệm ông Lương Minh Đức giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, đồng thời tái bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Bình tiếp tục giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Sáng 18/ 2, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tổ chức họp đoàn kiện toàn chức danh Trưởng đoàn.

Bộ TT&TT điều động và bổ nhiệm 13 cán bộ lãnh đạo chủ chốt

Nhận định lần trao các quyết định giao nhiệm vụ quy mô lớn này là một sự kiện lịch sử của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với vị trí, nhiệm vụ mới, 13 cán bộ lãnh đạo các đơn vị sẽ có năng lượng mới để đóng góp tốt hơn cho Bộ, đất nước.

Tọa đàm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng CSVN với sự nghiệp văn hóa-VHNT VN

Buổi tọa đàm với diễn giả là GS. Phong Lê - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, diễn ra lúc 9h00 ngày 03/02/2020 tại Tầng 1 Tòa nhà chính Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội.

Đắk Lắk: Bệnh nhân bị đồn nhiễm virus corona là một tiếp viên hàng không

Liên quan đến thông tin trên mạng xã hội cho là "có người nhiễm corona tại Đắk Lắk", sáng 28/1, lãnh đạo BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, có một bệnh nhân bị sốt đang được điều trị tuy nhiên chưa thể kết luận có nhiễm virus corona hay không.

Đà Nẵng: Xuân 2020 hướng tới 22 dự án với tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ USD

Các cơ quan hữu quan của Đà Nẵng đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đang xúc tiến để tại “Tọa đàm Mùa xuân 2020” có thể hướng tới 22 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn khoảng 1,715 tỉ USD

Tân Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn

Sáng nay 20/1, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao quyết định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bổ nhiệm Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội cho ông Nguyễn Hồng Sơn.

Bổ nhiệm Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông giữ chức Giám đốc Công an Lâm Đồng

Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng

Đang cập nhật dữ liệu !