Bí thư Đà Nẵng “gỡ khó” cho các nhân tài nợ bạc tỉ!
Nhân tài nợ hàng chục tỉ đồng do vi phạm hợp đồng!
Như tin đã đưa, ngày 12/3, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP từ năm 1998 đến nay. Tại đây, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng cho hay, trong thời gian qua kinh phí TP đầu tư cho việc thực hiện đề án Đề án “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” (còn gọi là Đề án 922) khá lớn.
Tại hội nghị tổng kết công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP từ năm 1998 đến nay, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã đưa ra nhiều hướng "gỡ khó" cho các nhân tài đang nợ bạc tỉ do vi phạm hợp đồng đào tạo. (Ảnh: HC) |
Theo đó, từ năm 2004 đến nay, tổng kinh phí thực hiện dự án lên đến gần 558 tỉ đồng, đào tạo cho 608 học viên. Trong đó, đào tạo bậc đại học trong và ngoài nước khoảng 477 tỉ đồng (chiếm tỉ lệ 84,7% tổng kinh phí); đào tạo sau đại học 85 tỉ (15,3%). Ngoài ra, có 138 học viên đã tốt nghiệp trở về nhận công tác tại các đơn vị được hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 5870 của UBND TP Đà Nẵng với tổng kinh phí đến nay khoảng 5 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, dù tình hình kinh tế TP có những thời điểm gặp nhiều khó khăn song việc bố trí kinh phí thực hiện dự án (học phí, sinh hoạt phí, trượt giá, các chế độ bắt buộc khác…) vẫn đảm bảo. Tuy nhiên trong việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này vẫn còn nhiều bất cập, nổi cộm nhất là tình trạng một số học viên vi phạm hợp đồng đào tạo, bỏ học giữa chừng, sau khi tốt nghiệp không trở phục vụ TP... Đến nay đã có 29 học viên có quyết định ra khỏi đề án (trong đó có 23 học viên vi phạm hợp đồng đào tạo, 6 học viên xin ra khỏi đề án) phải bồi thường tổng kinh phí lên tới 33,452 tỉ đồng.
(Về vấn đề này, báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng không nêu cụ thể số kinh phí phải bồi hoàn nhưng đưa ra số liệu học viên vi phạm hợp đồng cao hơn: Hiện có 11 học viên xin rút khỏi Đề án 922 (7 người đã có văn bản của UBND TP, 4 người đang chờ xử lý) và 26 lượt học viên vi phạm hợp đồng đào tạo, bao gồm kết quả học tập không đạt yêu cầu (12 lượt); không trở về làm việc cho TP sau khi tốt nghiệp (7 lượt), không thực hiện đủ thời gian làm việc cho TP, bị đơn vị chủ quản sa thải (3 lượt), vi phạm pháp luật tại nước sở tại (1 lượt), bỏ học (1 lượt), 2 trường hợp khác đang chờ xử lý).
Ông Nguyễn Văn Phụng cho hay, việc thu hồi kinh phí bồi hoàn đang rất chậm. Trong tổng kinh phí phải bồi hoàn là 33,452 tỉ đồng (chiếm 6% tổng kinh phí triển khai thực hiện đề án), đến nay chỉ mới thu hồi được 2,3 tỉ đồng. Hiện còn 13 học viên phải tiếp tục bồi hoàn kinh phí trong thời gian đến với số tiền không nhỏ, lên tới 31,105 tỉ đồng.
Lúng túng thu hồi kinh phí bồi hoàn
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, hợp đồng đào tạo của TP chưa chặt chẽ, quy định bồi thường vi phạm hợp đồng lên tới gấp 5 lần kinh phí TP bỏ ra là thiếu khả thi. Vì vậy đã có những trường hợp học viên vi phạm hợp đồng nhưng TP lúng túng, khiến sự việc kéo dài. Có một số trường hợp TP chưa biết phải khởi kiện đòi học viên trả lại tiền bồi thường như thế nào cho phù hợp. Trong khi đó, cũng có một số trường hợp vi phạm hợp đồng đào tạo nhưng lại khiếu nại, khiếu kiện ngược lại TP.
“Căn cứ quy định nào mà phạt con tôi gấp 5 lần? Quy định con tôi tốt nghiệp về làm việc cho TP 7 năm, nhưng đâu có nói làm 7 năm liên tục. Nó làm được 2 năm rồi, bây giờ theo chồng đi Anh, bao giờ nó về thì làm tiếp cho đủ 7 năm. Không biết hồi nào mới về, thậm chí không biết có về nữa hay không. Rất là khó, chúng ta lúng túng trong cái này. Đây là thất thoát ngân sách, mà không phải ít đâu. Rất nhiều, chi phí cho mỗi học viên đi học phải hơn 1 tỉ nhưng khả năng đòi lại rất khó dù họ đưa ra những lý do có thể nói là không thể chấp nhận được” – ông Nguyễn Xuân Anh thừa nhận.
Ông cho hay, ngày 24/1/2014, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 86 về chính sách thu hút tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ và yêu cầu triển khai thực hiện trong quý 3/2014. Trong đó đề ra nhiều chủ trương rất mới tạo hành lang pháp lý để Đà Nẵng có những cơ chế tốt hơn, đột phá hơn nữa trong việc thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP.
Đáng chú ý, Kết luận số 86 đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 thu hút ít nhất 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ với quy định TS khoa học không quá 35 tuổi, TS không quá 32 tuổi, Thạc sĩ không quá 28 tuổi, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc không quá 23 tuổi. Đặc biệt, Kết luận 86 đưa ra những cơ chế rất vượt trội: Số đối tượng thu hút về được bổ sung tăng vào trong tổng biên chế đã được duyệt nếu tuyển dụng rồi mà không đáp ứng yêu cầu của cơ quan tuyển dụng cũng không phải bồi thường...
“Gỡ khó” cho các nhân tài
Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh, chủ trương và chính sách của TP nhằm thu hút, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn khách quan về phát triển của TP và cần được tiếp tục cho tốt hơn.
“Chúng ta đầu tư gần 600 tỉ trong 8 năm, bình quân mỗi năm 75 tỉ. 600 tỉ nói thì lớn song chưa bằng nửa cây cầu. Nhưng chính lực lượng này cùng với chúng ta có khi có thể tạo ra nhiều cây cầu mới nữa. Mức độ đầu tư như trong thời gian qua là phù hợp, có trọng điểm, mang tính chiến lược. Sản phẩm này đóng góp vào sự phát triển chung của TP không thể thấy ngay lập tức mà phải 5 năm, 10 năm, có khi còn phải dài hơn!” – ông Trần Thọ nói.
Bên cạnh đó, ông yêu cầu các bên liên quan phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng đào tạo đã ký kết. Con số khoảng 5% học viên Đề án 922 vi phạm hợp đồng trong thời gian qua chưa phải là nhiều nhưng cũng cảnh báo nếu không có giải pháp ngăn chặn thì sẽ gia tăng, không những không đáp ứng được yêu cầu mà còn dẫn tới nhiều mất mát, trong đó mất niềm tin là lớn nhất.
“Trước đây TP quy định xử phạt vi phạm lên tới gấp 5 lần. Mình giơ rất cao nhưng làm chẳng được. Không có ai, tiền ở đâu mà nộp phạt gấp 5 lần. Thực tế là trong số các học viên phải bồi hoàn kinh phí vừa qua có ai nộp được gấp 5 lần đâu. Nên bây giờ thống nhất chỉ phạt 1 lần thôi. Tôi đưa anh 1 tỉ đồng để đi học, anh không học thì trả lại đây. Giảm từ 5 lần xuống còn một lần thôi. Tức là hoàn trả lại đấy!” – ông Trần Thọ nói.
Thấy hội trường có vẻ xôn xao, ông nhấn mạnh tiếp: “Đừng có lo nhiều, mình bỏ tiền ra đào tạo các em về làm việc cho TP nhưng vì lý do này, lý do kia, chắc là lý do cũng hết sức cần thiết đối với bản thân nên các em đó không về. Thôi thì hoàn trả lại tiền cho nhà nước, mai mốt anh có vợ, có con, có chồng ở nước ngoài, rồi cũng hồi hương về TP Đà Nẵng này, TP đáng sống. Trước sau cũng về, mà trước sau về cũng đóng góp cho TP. nên hoàn trả lại thôi, không lấy tiền lời!”.
Đối với các trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng đào tạo mà muốn ở lại học tiếp, ông Trần Thọ chỉ đạo: “Chỉ cho phép với điều kiện tự lo học phí, ngành nghề theo học là ngành nghề mà TP đang cần, và chỉ đào tạo đến thạc sĩ. Còn tiến sĩ thì hạn chế bớt. Tiến sĩ sau này về làm ở các cơ quan nghiên cứu, viện nghiên cứu, các trường đại học chứ cơ quan hành chính có ông tiến sĩ làm hành chính đôi khi cũng lãng phí, không phát huy hết khả năng chuyên môn được đào tạo”.
Những chính sách mới vượt trội của Đà Nẵng
Ông Trần Thọ nêu rõ: “Đà Nẵng xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 5 mũi nhọn đột phá phát triển của TP. Mà đã nói đột phá thì phải đầu tư theo kiểu đột phá, chứ xác định đột phá mà đầu tư theo kiểu dàn trải, theo kiểu nhỏ giọt, theo kiểu thiếu trước hụt sau thì không thể mang lại thành công. Anh đầu tư như thế nào thì sẽ gặt hái kết quả như thế ấy!”.
Từ đó ông yêu cầu Ban Tổ chức Thành ủy và Sở Nội vụ nghiên cứu giúp UBND TP Đà Nẵng đề xuất ban hành chính sách đãi ngộ phù hợp ngay trong năm 2014, khắc phục độ “vênh” giữa “chiêu hiền” (đối tượng thu hút, đào tạo đưa về các cơ quan, đơn vị) với “đãi sĩ” (người đang làm việc tại chỗ). Từ nay trở đi, cử đi đào tạo tiến sĩ không quá 35 tuổi, đào tạo thạc sĩ không quá 28 tuổi, nhận sinh viên xuất sắc không quá 25 tuổi.
Lâu nay việc bố trí các đối tượng thu hút và đào tạo nhân lực chất lượng cao chủ yếu tại các cơ quan chuyên môn của UBND TP và một số đơn vị sự nghiệp, nay mở rộng bố trí ở tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị, từ cấp TP đến cấp quận, huyện, lực lượng vũ trang, các cơ quan tư pháp nếu phù hợp. Dỡ bỏ rào cản về biên chế trong việc tiếp nhận nguồn nhân lực chất lượng cao. Các tiến sĩ, thạc sĩ, sinh viên xuất sắc thu hút về được bổ sung tăng thêm biên chế ngoài biên chế mà Chủ tịch UBND TP đã phê duyệt.
Từ nay trở đi, học sinh THPT Đà Nẵng thi vào các trường đại học trong cả nước đỗ thủ khoa, học sinh lớp 12 đoạt giải quốc tế, trong nước thì giao Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 922 đề xuất cấp học bổng của TP để đi học đại học.
Giao Giám đốc Sở chủ động báo cáo với Ban chỉ đạo, Giám đốc Sở Nội vụ để trực tiếp tuyển dụng, không thông qua thi tuyển đối với các đối tượng nêu trên. Việc thực hiện phải được tiến hành một cách công khai, minh bạch trên cơ sở đủ tiêu chuẩn, đúng đối tượng. Giám đốc Sở trực tiếp tuyển dụng và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về quyết định của mình. Nếu sai thì Ban chỉ đạo, Sở Nội vụ “tuýt còi”.
“Trên cơ sở quy định tiền lương theo Kết luận 86 của Bộ Chính trị, cần sửa đổi chính sách chung của TP. Vận dụng quy định của Bộ Chính trị, không nhất thiết phải chờ thể chế hóa của Thủ tướng Chính phủ. Làm sớm, ban hành ngay trong năm 2014, từ khâu tiền khâu bổ nhiệm đối với các đối tượng thu hút, đối tượng đào tạo. Thống nhất cho các đối tượng trên, sau khi có quyết định tiếp nhận của cơ quan thẩm quyền, được thuê chung cư của TP hoặc cho vay tiền từ 10 – 15 năm bằng nguồn chính sách xã hội ưu đãi” – ông Trần Thọ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Anh: “Theo Kết luận 86 của Bộ Chính trị, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc lập tức được hưởng hệ số lương 4,40 bậc 1,8 của ngạch chuyên viên chính (lương khởi điểm của sinh viên bình thường sau khi ra trường là 2,34); cán bộ khoa học trẻ có trình độ thạc sĩ là 4,74; tiến sĩ là 5,08; tiến sĩ khoa học là 5,42; đối với lực lượng vũ trang, sinh viên suất sắc sau khi ra trường phong ngay trung úy, hưởng lương khởi điểm 4,60; thạc sĩ thì đeo lon thượng úy ngay; tiến sĩ là đại úy, tiến sĩ khoa học đeo lon thiếu tá liền, hưởng lương 6,0. Đây là hành lang pháp lý mà chúng ta có thể áp dụng ngoài những chính sách ưu đãi của TP”.