Bí thư Đà Nẵng: Đừng tính thiệt hơn với dân quá!
Như tin đã đưa, ngày 13/9, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã tiến hành cuộc tổng rà soát các đồ án quy hoạch trên địa bàn. Tuy chỉ mới thực hiện được phân nửa trong tổng số 152 đồ án cần rà soát do thời gian 1 ngày là không đủ song qua đó cũng đã nổi lên nhiều trường hợp thể hiện rõ quan điểm "các cơ quan nhà nước không nên quá tính toán với người dân" của lãnh đạo Đà Nẵng!
Ông Trần Thọ, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng (trái) và ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì cuộc họp ngày 13/9 tổng rà soát các đồ án quy hoạch trên địa bàn (Ảnh: HC) |
Các cơ quan nhà nước "tính toán" khi giải toả dân
Khi báo cáo việc mở rộng đường Hàn Mặc Tử nối ra đường 3/2 (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay dự án này đang gặp trở ngại do có một đoạn "thắt nút cổ chai" cần phải giải toả 5 ngôi nhà, kinh phí đền bù và đầu tư hạ tầng cho đoạn đường này khoảng 1,5 tỉ đồng.
"Tại Công văn số 1677/VP-QLĐTh ngày 9/7/2013, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo rà soát quỹ đất khu dân cư Kênh thoát nước Thuận Phước để bố trí tái định cư cho 5 hộ nêu trên" - ông Nguyễn Hữu Sĩ, Phó trưởng phòng Quản lý quy hoạch và phát triển đô thị (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho hay.
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, 5 hộ này có diện tích đất hiện trạng rất nhỏ với tổng diện tích chỉ 150m2 (gồm 21m2, 22m2, 27m2, 39m2 và 41m2), trong khi các lô đất ở khu tái định cư Kênh thoát nước Thuận Phước đều có diện tích từ 60 - 75m2, giá thị trường hiện nay khoảng 1,2 - 1,6 tỉ đồng/lô.
Lấy lý do quỹ đất tái định ở khu vực trung tâm khó khăn, Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị lãnh đạo TP xem xét đền bù bằng tiền hoặc bố trí 5 hộ nêu trên về các khu vực khác có giá đất thấp hơn, thay vì thực hiện đúng như tinh thần công văn 1677/VP-QLĐTh. Khi được hỏi ý kiến, ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cũng đồng tình với đề nghị này của Sở Xây dựng.
Theo ông Trần Thọ, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, ở 5 ngôi nhà đó người dân mở mấy quán uốn tóc, cafe cóc... để sinh sống. Chiều ngang của các ngôi nhà thì tạm được nhưng chiều sâu rất ngắn, tạo nên cái "nút cổ chai" nên dứt khoát phải giải toả để thông đường Hàn Mặc Tử. Cả một tuyến đường dài, trên đó có cả trường học mà để ách tắc là không được. Tuy nhiên ông thấy sự thống nhất giữa Sở Xây dựng Đà Nẵng và UBND quận Hải Châu là "chưa đảm bảo lắm đâu".
Dân lợi một chút thì có gì đâu mà phải tính thiệt hơn!
"Giải toả mà các anh tính như thế thì lợi cho nhà nước quá. Dân có lợi một chút cũng được chứ mắc chi mà phải tính toán quá thế. Ông có đất tái định cư ở gần đó, thu hồi của họ ít nhưng bố trí lại nhiều hơn một chút, dân có lợi hơn một chút thì cũng được chứ mắc chi đâu mà phải tính toán bóp xuống, rồi đưa đi chỗ khác? Ông đưa người ta đi chỗ khác không có sinh lợi bằng ở chỗ đó nghe. Ở đó gần trường học, khu dân cư đông đúc, người ta hớt tóc, bán cafe này khác có được đồng bạc, ông xách đưa đi chỗ khác là không được!" - ông Trần Thọ nói.
Sau khi xem xét ý kiến của các bên liên quan, ông Trần Thọ yêu cầu giải toả "nút cổ chai" trên đường Hàn Mặc Tử, làm sạch môi trường khu vực này và phải đặc biệt là bố trí tái định cư tại chỗ cho 5 hộ dân kể trên. Ông nhấn mạnh: "Diện tích có tăng một chút cũng không sao, dân lợi một chút cũng không sao. Có đất sẵn đó rồi, họ bước qua chừng vài chục mét, làm cái nhà rộng hơn một chút, khang trang hơn một chút, trả lại con đường sạch sẽ cho xe chạy, dân đi lại thông thoáng thì có gì đâu mà mình phải tính thiệt hơn!".
Quan điểm này cũng được ông Trần Thọ nhắc lại đối với việc giải toả 36 hộ dân để xây dựng vệt cảnh quan phía Nam cầu đường bộ Nam Ô trên QL1A. Hiện cây cầu đã xây dựng xong và đưa vào hoạt động nhưng 36 hộ dân này vẫn đang nằm "chắn" trước mặt khiến đường xuống cầu phải bóp cong, tầm nhìn bị che khuất và rất dễ xảy ra tai nạn. Do vậy, ông Trần Thọ đồng ý với phương án của Sở Xây dựng là giải toả các hộ này để tạo cảnh quan môi trường và đảm bảo an toàn giao thông chứ không giữ lại chỉnh trang như đề nghị của UBND quận Liên Chiểu.
Tuy nhiên ông Trần Thọ lưu ý, hầu hết các hộ này đều có 2 mặt tiền, mặt trước nhìn ra QL1A, mặt sau nhìn ra sông. Ở đây có nhiều hộ mở quán bán món gỏi cá nổi tiếng của Nam Ô và buôn bán nhiều mặt hàng khác để sinh sống. Vì vậy ông yêu cầu việc giải toả các hộ này phải đáp ứng điều kiện bố trí tái định cư ở gần đó để người dân có thể làm ăn và có khả năng sinh lời như hiện nay, chứ đừng giải toả xong rồi đưa họ vào chỗ không "ngon" bằng chỗ cũ là không được!
"Nếu có đất tái định cư có khả năng sinh lời như hiện nay thì giải toả 36 hộ đó và bố trí vốn ngân sách để thực hiện trong năm 2014" - ông Trần Thọ nói. Đáp ứng yêu cầu này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho hay, sang năm 36 hộ dân kể trên sẽ được bố trí tái định cư ở mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành nối dài là một khu vực rất đẹp, thậm chí còn đẹp hơn QL1A hiện nay!
Chỉ nghĩ cho mình mà không nghĩ cho nhà đầu tư là không được!
Tại cuộc họp ngày 13/9, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay, dự án khu đô thị xanh Dragon City Park (quận Liên Chiểu) do Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng làm chủ đầu tư có diện tích 78,3ha đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết theo Quyết định 10150/QĐ-UBND ngày 28/11/2011 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Trong khi đó khu dân cư chưa giải toả thì đang bị ngập úng, gây bức xúc.
Ông Hồ Trương Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng cho hay đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính 230 tỉ đồng từ năm 2009. Thế nhưng cho đến nay Trung tâm Phát triển quỹ đất Đà Nẵng vẫn chưa bàn giao đủ mặt bằng mà chỉ mới giải toả được khoảng 35ha theo kiểu "da beo" nên nhà đầu tư không thể triển khai dự án. Giải thích vấn đề này, Ban Giải toả đền bù số 1 viện lý do thiếu kinh phí giải toả.
Ông Trần Thọ yêu cầu các Ban giải toả đền bù của TP phải hết sức lưu ý. Nhà đầu tư đã làm nghĩa vụ tài chính đâu vào đó rồi nhưng chậm trễ giải toả đền bù, bàn giao đất để triển khai dự án là trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng của TP. "Đừng có viện lý do thiếu tiền thế này thế kia là không được đâu. Tiền người ta nộp vào đó thì mình sử dụng một số để giải toả đền bù cho dân, tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Chứ mình chỉ nghĩ phía mình mà không nghĩ cho nhà đầu tư là không được!" - ông Trần Thọ nói.