Bị can có được đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án?
Thảo luận về dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) tại phiên họp lần thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, để đảm bảo quyền tự bào chữa của bị can, kể cả trường hợp bị can nhờ hoặc không nhờ người bào chữa thì kể từ khi kết thúc điều tra và khi có yêu cầu, họ có quyền đọc, ghi chép bản sao các tài liệu liên quan là cần thiết nhưng để bảo đảm tính khả thi cần xác định rõ phạm vi các tài liệu và thời điểm bị can được đọc, ghi chép tài liệu đó; đồng thời để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp cần có quy định về việc bị can được quyền đọc tài liệu hồ sơ đã được số hóa.
Đa số ý kiến ĐBQH tán thành với quy định: sau khi kết thúc điều tra nếu bị can có yêu cầu thì được đọc, ghi chép bản sao hoặc các tài liệu đã được số hóa trong hồ sơ vụ án.
Đề xuất bị can có thể được đọc hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra |
Theo dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự, bị can có quyền: Được biết lý do mình bị khởi tố; Được thông báo, được giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này; Được nhận quyết định khởi tố bị can; quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can; quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can; quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
Theo dự thảo Luật, bị can cũng có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản theo quy định của Bộ luật này; Tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa; Được đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu. Chính phủ chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa khi bị can có yêu cầu; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Bên cạnh đó, bị can có nghĩa vụ: Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã; Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.