Bí ẩn về vương quốc gỗ hóa thạch trên cao nguyên Gia Lai
Hàng trăm triệu năm trước, những cánh rừng nguyên sinh của vùng đất Chư A Thai bị vùi sâu dưới lớp đất. Trải qua thời gian phong hóa, cây gỗ này đã hóa đá và nổi lên mặt đất, mang vẻ đẹp kỳ lạ.
Bí ẩn về vương quốc gỗ hóa thạch trên cao nguyên Gia Lai
Hàng trăm triệu năm trước, những cánh rừng nguyên sinh của vùng đất Chư A Thai bị vùi sâu dưới lớp đất. Trải qua thời gian bị phong hóa, đến nay những cây gỗ này đã hóa đá và nổi lên mặt đất. Vẻ đẹp của đá hóa thạch và quan niệm phong thủy khiến cho loại gỗ này bị săn lùng ráo riết.
Dãy núi Chư A Thai (huyện Phú Thiện, Gia Lai) được xem là vương quốc của gỗ hóa thạch. Người dân trong xã Chư A Thai và nhiều người tứ xứ đã đổ về nơi đây để sưu tầm cho mình những khúc gỗ hóa thạch có giá trị. Cũng vì thế mà những năm trở lại đây, gỗ hóa thạch đang dần cạn kiệt, hiếm hoi lắm mới tìm được những cây gỗ hóa thạch lớn trên núi Chư A Thai.
1. Lên núi tìm... rừng hóa đá
Xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện, Gia Lai) nằm bên dãy núi Chư A Thai. Dưới chân núi là những cánh đồng lúa xanh đã nuôi sống bao thế hệ con cháu người Jrai. Núi Chư A Thai cũng là nơi tìm thấy nhiều nhất gỗ hóa thạch ở Gia Lai.
Trước đây, núi Chư A Thai là một rừng nguyên sinh. Qua quá trình hoạt động địa chất, cánh rừng bị nhấn chìm trong bùn đất. Những phần hữu cơ của gỗ bị phân hủy. Lúc này, khoáng chất, silic bắt đầu chảy vào và thay thế phần hữu cơ trong thân cây. Sau hàng trăm triệu năm, gỗ hóa thạch được hình thành. Trải qua sự phong hóa, bào mòn, gỗ hóa thạch bị nổi lên bề mặt và được người dân nhặt về trưng bày hoặc bán.
Giữa trưa nắng oi bức, anh Nguyễn Văn Nguyên (32 tuổi, trú tại làng King Pêng, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai) đang cặm cụi tìm gỗ hóa thạch dưới chân núi Chư A Thai. Anh Nguyên cho biết: "Núi Chư A Thai được ví như "thủ phủ" của gỗ hóa thạch từ hàng chục năm nay. Gỗ hóa thạch rất có giá trị nên được nhiều người thường xuyên lên núi tìm kiếm. Bà con ở làng thường tranh thủ lúc nghỉ trưa để đi vòng quanh núi, nhặt nhạnh những viên gỗ hóa thạch nhỏ. Nếu lượm nhiều thì có thể bán đến vài triệu đồng hoặc chỉ vài trăm nghìn đồng, tùy vào kích cỡ, chất lượng đá".
Tương tự, anh Nguyễn Văn Chuyển (29 tuổi, trú làng Dlâm, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai) đang thả đàn bò dưới chân núi Chư A Thai. Anh nhặt được một viên gỗ hóa thạch màu nâu đỏ tuyệt đẹp có trọng lượng khoảng 10 kg, nằm ẩn sâu trong lớp đất.
Anh Chuyển phấn khích cho biết: "Hôm nay, may mắn khi tôi nhặt được viên gỗ hóa thạch có màu đẹp như vậy. Theo tôi nghĩ, viên này sẽ có giá trị rất cao. Hy vọng, tôi mang về bán sẽ được giá tốt để thêm tiền mua đồ dùng học tập cho con".
Anh Chuyển anh kể, nhiều năm trước, khắp núi Chư A Thai đều là gỗ hóa thạch nhưng không ai thèm lấy, coi nó như đá bình thường. Nhiều người nhìn thấy đẹp nên mang về nhà rửa sạch để trang trí, người mang về kê bếp, chặn cửa.
"Có lần, trong khi làm rẫy, một người gần nhà tôi tìm thấy khúc gỗ hóa thạch nặng cả mấy tạ. Nhiều ngày sau, người trên thành phố Pleiku vào hỏi mua, họ chỉ bán vài triệu đồng. Hiện nay, khúc gỗ hóa thạch cỡ đó có giá cả trăm triệu đồng", anh Chuyển kể thêm.
Trước đó, vào những năm 2005 - 2015, người dân khắp nơi đã khăn gói đi dọc núi Chư A Thai để tìm gỗ hóa thạch về bán. Thời điểm này, gỗ hóa thạch được các thương lái thu mua với giá 5.000 đến 6.000 đồng/kg, đá đẹp có giá lên đến 10.000 đồng/kg. Những tảng đá có khối lượng lớn lại được tính theo hình dạng, màu sắc... và có giá hàng chục triệu đồng.
Cơn "sốt" gỗ hóa thạch khiến cho người dân tứ xứ lũ lượt kéo lên núi tìm kiếm. Những cánh rừng tái sinh của Chư A Thái cũng trụi dần. Những hố lớn, hố nhỏ bị đào bới ngổn ngang. Xót cho cánh rừng, người dân trong xã Chư A Thai đã phải xây trụ bê tông ngay ở cổng làng nhằm ngăn chặn xe tải lớn vào thu mua gỗ hóa thạch.
2. Nghề ''thay áo mới'' cho đá hóa thạch
Nghề mài gỗ hóa thạch nổi lên ở thị trấn Phú Thiện hơn chục năm trở lại đây. Anh Đỗ Văn Ngọc (28 tuổi, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, Gia Lai) đã có tay nghề hơn 8 năm trong nghề chế tác đá gỗ hóa thạch.
Chúng tôi tìm đến xưởng làm gỗ hóa thạch của anh Ngọc vào lúc chiều tà. Từ xa, chúng tôi thấy anh đang cặm cụi dùng máy để mài những khúc gỗ hóa thạch sáng bóng, bắt mắt, hấp dẫn.
Anh Ngọc cho biết, anh đam mê gỗ hóa thạch từ năm 2014. Khi đó, anh chỉ là một người làm phụ hồ. Vào buổi chiều, anh thấy người đàn ông gần nhà cặm cụi mài những khúc gỗ hóa thạch thô thành tác phẩm đá huyền ảo, bóng loáng và đã bán cho khách ở TP Hồ Chí Minh với số tiền rất lớn.
"Gỗ hóa thạch có nhiều màu sắc nên giá trị kinh tế cũng khác nhau. Những viên vỏ ngoài mềm mại, bên trong màu ngọc (gỗ hóa ngọc) thì có giá hàng triệu đồng mỗi kg. Còn những viên bình thường, kích thước nhỏ thì giá khoảng 10.000 đồng/kg", anh Ngọc cho biết.
Để có được một sản phẩm nghệ thuật, người chế tác cần chọn chính xác vị trí, khi mài bóng sẽ thấy vân đá, màu sắc đẹp nhất. Nếu chọn sai vị trí của đá sẽ khiến cho sản phẩm xấu, không có tính nghệ thuật.
Chính vì vậy, anh Ngọc rất cẩn trọng từng khâu trong công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, con mắt thẩm mỹ khá cao mới hoàn thiện được tác phẩm lung linh, tuyệt đẹp. Những sản phẩm đá gỗ hóa thạch trong nhà của anh đều được mài với thời gian khá lâu.
Ngoài viên đá có kích thước nhỏ, anh Ngọc còn sở hữu nhiều gỗ hóa thạch tìm được sâu hàng chục mét, có đường kính từ 0,5 m, cao từ 1,5 m. Những viên nặng 2 -3 tạ, có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Những loại gỗ hóa thạch có giá trị, anh Ngọc thường mài rất kỹ lưỡng. Theo anh Ngọc, mỗi viên gỗ hóa thạch là một kiệt tác của tự nhiên nên không cần chế tác, đục đẽo quá nhiều.
Với niềm đam mê gỗ hóa thạch, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Thanh (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) thường đi xe máy gần 70 km để xuống núi Chư A Thai để mua lại đá của người dân đi nhặt về. Từ tay ngang không biết gì về gỗ hóa thạch, giờ đây, vợ chồng chị Thanh đã sở hữu cho mình gần trăm khối gỗ hóa thạch, đủ các kích cỡ.
"Gia đình tôi thường mua đá ở núi Chư A Thai và Đà Lạt để về trưng bày nhằm thỏa đam mê sưu tầm gỗ hóa thạch. Trước, gia đình thường mua rồi về thuê thợ chế tác cho gỗ hóa thạch trở nên lấp lánh, rõ vân… Do chi phí đắt, chồng tôi đã mua máy về để tự học và chế tác đá. Gia đình cũng bán một số gỗ hóa thạch để mua những sản phẩm giá trị hơn.", chị Thanh tâm sự.
3. Báu vật gỗ hóa thạch dần cạn kiệt!
Sau hàng chục năm bị khai thác ồ ạt, gỗ hóa thạch ở núi Chư A Thai đang gần như bị cạn kiệt. Trên dãy núi Chư A Thai giờ đây chỉ còn những viên đá nặng chưa đến 0,5 kg. Muốn tìm được đá có khối lượng lớn, người dân thường sử dụng máy múc để đào sâu xuống, may mắn lắm mới tìm được viên đá có giá trị.
Dọc tuyến Quốc lộ 25 tại thị trấn Phú Thiện (huyện Phú Thiện, Gia Lai) đang có gần chục cửa hàng bày bán gỗ hóa thạch. Những khối gỗ quý được bày bán nặng từ 3 - 5 kg, sau khi đánh bóng thì khối đá hóa thạch sẽ có giá từ bán 500.000 đồng đến vài triệu đồng. Một người chủ cửa hàng chuyên buôn bán đồ gỗ hóa thạch ở Phú Thiện cho hay, gỗ hóa thạch ở núi Chư A Thai có màu sắc đẹp hơn so với những vùng khác nên rất được các dân chơi ở Đà Nẵng, TPHCM, Hà Nội đặt mua. Đá này thường dùng để làm phong thủy, làm trang sức, đồ mỹ nghệ... Hiện nay, gỗ hóa thạch cũng đã cạn kiệt dần, nguồn hàng cũng khan hiếm và cũng trở nên đắt đỏ.
Ông Phùng Chung Toàn - Chủ tịch UBND xã Chư A Thai cho biết, hàng chục năm trước, phong trào đi tìm đá hóa thạch trên địa bàn xã nở rộ. Tuy nhiên, những năm gần đây gỗ hóa thạch cũng trở nên khan hiếm và nằm ở sâu dưới nhiều tầng đất. Chính vì vậy, việc tìm kiếm cũng chỉ còn nhỏ lẻ ở một số hộ dân đang canh tác gần dãy núi Chư A Thai.
"Chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, nghiêm cấm, xử lý nhiều trường hợp khai thác trái phép gỗ hóa thạch. Đồng thời, lực lượng chức năng xã cũng đi tuần tra để kịp thời phát hiện việc khai thác đá hóa thạch trên địa bàn và việc trà trộn đá từ nơi khác vào địa bàn bán để được giá cao", ông Toàn cho biết.
Gỗ hóa thạch hiện nay đang được ưa chuộng không chỉ ở Gia Lai mà khắp cả nước. Nhiều khối gỗ hóa thạch có đường kính khổng lồ đang được trưng bày ở nhiều cơ sở văn hóa trong cả nước để người dân cùng chiêm ngưỡng những tuyệt tác mà thiên nhiên đã ban tặng. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có nhiều giải pháp nhằm xây dựng cơ sở trưng bày để lưu giữ loại đá cổ này cho các thế hệ sau.
Theo dantri.com.vn