Bí ẩn từ trường của Mặt Trời
Hình ảnh miêu tả ảnh hưởng của từ trường Mặt Trời đối với Trái Đất (Nguồn: NASA) |
Các nhà khoa học biết rõ từ trường của Mặt Trời có tồn tại, nhưng vẫn chưa hiểu rõ yếu tố nào làm xoay chuyển hướng từ trường của ngôi sao khổng lồ rực cháy này.
"Chúng tôi không biết chắc chắn từ trường của Mặt Trời được tạo ra ở đâu" – tiến sĩ Dean Pesnell, một nhà khoa học vũ trụ tại Trung tâm du hành vũ trụ Goddard của NASA ở bang Maryland (Mỹ), cho biết. "Nó có thể sinh ra từ bề mặt Mặt Trời hoặc sâu trong lòng Mặt Trời".
Hiện nay các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu từ trường của Mặt Trời bởi họ biết rằng từ trường này gây ra việc Mặt Trời phun trào ra các luồng năng lượng plasma và các luồng hạt tích điện (được gọi là “gió Mặt Trời”), có thể ảnh hưởng đến các nhà du hành vũ trụ và ngay cả con người sống trênTrái Đất.
"Hiểu được cái gì điều khiển từ trường của Mặt Trời là rất quan trọng để hiểu được bản chất của vũ trụ và hệ Mặt Trời. Từ trường của Mặt Trời liên quan đến mọi thứ, từ các vụ nổ trên Mặt Trời gây ảnh hưởng đến thời tiết trên Trái Đất cho đến những vùng bức xạ mà tàu vũ trụ phải đi xuyên qua trong những chuyến bay trong Hệ Mặt Trời" - NASA cho biết trong một thông cáo báo chí.
Hiểu được những tác dụng phụ của từ trường Mặt Trời cũng rất quan trọng, vì chúng có thể hủy hoại các tín hiệu vô tuyến giữa các vệ tinh vũ trụ, và gây mất điện trên diện rộng.
Một vụ nổ trên Mặt Trời xảy ra ngày 13/3/1989 đã gây ra mất điện toàn bộ tỉnh Quebec ở Canada. Trước đó, vào ngày 10/3, các dòng điện từ xuất phát từ Mặt Trời đã tạo ra một cơn bão điện từ lao về phía Trái đất với tốc độ hàng triệu km mỗi giờ. Khi cơn bão điện từ này va chạm với từ trường của Trái Đất, nó đã tạo ra một dòng điện ngầm, đánh sập lưới điện của tỉnh Quebec.
Các nhà khoa học đã nhận ra các hoạt động của Mặt Trời diễn ra theo chu kỳ 11 năm. Áp lực từ từ tích tụ trong lòng Mặt Trời trong khoảng thời gian đó sẽ bùng nổ vào lúc chu kỳ kết thúc. Khi đó, Mặt Trời hoạt động mạnh nhất và có thể phun trào các luồng sáng và luồng điện từ.
"Khi Mặt Trời ở trong chu kỳ hoạt động tối đa, từ trường của nó có hình dạng rất phức tạp với rất nhiều cấu trúc nhỏ. Đó là những khu vực hoạt động mà chúng tôi đã quan sát thấy" – ông Pesnell cho biết. "Ở chu kỳ hoạt động tối thiểu, từ trường Mặt Trời yếu hơn và tập trung ở các cực của nó. Khi đó hình ảnh Mặt Trời rất “trơn tru” vì không có các “vết đen” (các cơn bão từ trên Mặt Trời)"
Theo Trung Hiếu/ TGVN