Bê bối "nối đuôi nhau", Facebook biến Mark Zuckerberg thành tỷ phú mất nhiều tiền nhất của năm
Trong năm qua, Facebook đã trở thành tâm điểm của một "cơn sóng thần" bê bối ngày càng lớn với một loạt các vấn đề, từ quyền riêng tư về dữ liệu cho tới sự can thiệp của Nga đối với những thông tin giả mạo. Công ty và cả CEO Mark Zuckerberg nhiều lần phải công khai xin lỗi về những sai lầm của mình, nhưng những vụ bê bôi vẫn tiếp tục kéo đến.
Cho đến thời điểm này, vẫn chưa rõ câu chuyện để khép lại năm 2018 của Facebook là gì, nhưng ít nhất có một kịch bản lặp đi lặp lại trong năm nay. Đó là, Facebook làm điều không đúng, che giấu nó và khi mọi thứ bị phanh phui thì công ty này lại nói lời xin lỗi với công chúng rồi giải thích. Động thái này chỉ để Facebook tiếp tục "mắc lỗi" hoặc lặp lại những "lỗi lầm" tương tự.
Khởi đầu "nhẹ nhàng" trong năm mới
Đầu năm nay, Facebook đưa ra một thông báo quan trọng là các bài đăng của bạn bè, người thân của người dùng sẽ được hiển thị nhiều hơn trên News Feed nhằm đáp trả những lời chỉ trích rằng công ty này đã quá ưu tiên cho những nội dung quảng cáo. Sau đó, CEO Mark Zuckerberg đã nói rằng ông muốn đem lại sự ổn định cho Facebook.
Công ty này cho biết họ sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong việc đảm bảo các tin tức đều phải đến từ "nguồn đáng tin cậy" và ưu tiên những tin tức của địa phương, cũng nói thêm rằng Facebook đã sẵn sàng để áp dụng những quy tắc bảo mật mới tại châu Âu bởi ở khu vực này "rất nghiêm túc trong việc bảo vệ quyền riêng tư về dữ liệu và cá nhân."
Vào tháng 2, công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã truy tố 3 công dân Nga và 3 công ty của Nga, tập trung chủ yếu vào công ty Internet Research Agency bởi đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hồi năm 2016 bằng cách sử dụng các nền tảng mạng xã hội cũng dính líu tới vụ việc này, trong đó có Facebook. Tuy nhiên, cuộc điều tra chủ yếu tập trung vào các điệp viên Nga chứ không phải nền tảng họ sử dụng.
Facebook tưởng chừng đã có thể "thở phào" cho đến khi...
... một cuộc khủng hoảng về bê bối dữ liệu ập đến - Cambridge Analytica
Vào ngày 16 tháng 3, Facebook bất ngờ đưa ra thông báo rằng công ty đang đình chỉ hoạt động một công ty tư vấn chính trị có tên Strategic Communication Laboratories và công ty phân tích dữ liệu của họ là Cambridge Analytica khỏi nền tảng này. Ngay này hôm sau, nguyên nhân của vụ việc trên đã bị phanh phui. Tờ The New York Times (NYT) và Guardian đã đăng tải hai bài báo, nêu chi tiết về cách Cambride Analytica đã thu thập thông tin cá nhân của hơn 50 triệu người dùng mà không có sự cho phép của họ. Công ty này kiếm tiền bằng cách thu thập dữ liệu người dùng và bán lại cho các nhà phát triển ứng dụng, quảng cáo.
Cambridge Analytica đã làm việc liên quan tới nhiều chiến dịch chính trị, bao gồm cả cuộc chạy đua cho chiếc ghế tổng thống của ông Donald Trump và tuyên bố có thể cung cấp công cụ có thể nhận diện đặc điểm cá nhân của cử tri Mỹ nhằm tác động tới quyết định bầu cử của họ. Nguồn vốn hoạt động của Cambridge Analytica chủ yếu đến từ Robert Mercer - một nhà tài trợ giàu có của đảng Cộng hoà, và Stephen K. Bannon - cựu cố vấn của ông Trump.
Cambridge Analytica tuyên bố phá sản sau khi hứng chịu "búa rìu" của dư luận do vụ bê bối.
NYT đã phân tích về dữ liệu mà công ty này thu thập, bao gồm danh tính của người dùng Facebook, danh sách bạn bè và những nội dung họ nhấn "like". Từ đó, công ty có thể thiết lập bản đồ chi tiết về tính cách của người dùng sau đó chạy những nội dung quảng cáo theo đúng "ý thích" của họ.
Công ty này đã hợp tác và nhận dữ liệu từ Aleksandr Kogan - một giáo sư tâm lý học của Đại học Cambridge. Sau đó, Kogan đã phát triển một ứng dụng riêng đố vui về tính cách trên Facebook và bắt đầu thu thập dữ liệu cho Cambridge Analytica từ tháng 6 năm 2014. Khi sử dụng ứng dụng này, chỉ có khoảng 270 nghìn người đồng ý cung cấp dữ liệu nhưng Kogan lại cung cấp dữ liệu thô của 50 triệu người. Facebook đã cung cấp cho Kogan dữ liệu của tất cả những người sử dụng ứng dụng, cũng như của bạn bè họ.
Ngày 19/3, cổ phiếu của Facebook giảm đến gần 7% và 36 triệu USD giá trị vốn hoá đã bị xoá sạch, gấp đôi số vốn hoá Snap nắm giữ tại thời điểm đó.
Sau khi vụ việc "vỡ lở", ngày 2/5, Cambridge Analytica tuyên bố đóng cửa và đệ đơn phá sản ở Anh và Mỹ bởi những áp lực quá lớn từ vụ bê bối dữ liệu.
Mark Zuckerberg điều trần trước Quốc hội Mỹ
Hơn nữa, tình hình còn tệ hơn khi Facebook phải mất đến 3 năm mới cảnh báo cho người dùng việc họ bị lạm dụng dữ liệu. Khi thông tin về việc Zuckerberg quyết định sẽ chấp nhận đề nghị làm chứng trước Quốc hội được lan truyền, cổ phiếu của Facebook đã giảm 5% vào ngày 27/3. Quyết định này được đưa ra khi Facebook phải chịu áp lực từ nhiều phía sau vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica. Chỉ một ngày trước đó, Uỷ ban Thương mại Liên bang thông báo sẽ điều tra các hoạt động về dữ liệu của Facebook.
Mark Zuckerberg trong phiên điều trần trước Quốc hội hôm 11/4.
Sau đó, hồi tháng 5, CEO của Facebook tiếp tục tham gia điều trần ở Nghị viện châu Âu (EP). Tại đây, Zuckerberg phải đối mặt với nhiều câu hỏi khó nhưng lại không thực sự trả lời được bất kỳ câu hỏi nào trong đó. Các quan chức của EP đều không hài lòng với những câu trả lời của vị tỷ phú. Sau khi Zuckerberg cố gắng chấm dứt phiên điều trần và nói rằng đã hết thời gian thì không ít thành viên của EP đã rất bức xúc. Tính đến nay, đã có 8 quốc gia yêu cầu chất vấn vị CEO này.
Có thời điểm, các cổ đông của công ty còn đề xuất về việc sa thải Zuckerberg khỏi vị trí chủ tịch hội đồng quản trị.
Bê bối nối tiếp bê bối
Chưa dừng ở đó, ngày 29/9, Facebook đã phát hiện ra một lỗi bảo mật, cho phép các hacker truy cập và kiểm soát thông tin của gần 50 triệu tài khoản. Trong đó, lỗi bảo mật này liên quan đến tính năng "View As" (Xem với tư cách khác), cho phép hacker truy cập vào mã token để kiểm soát tài khoản của người dùng. Sau đó, 90 triệu tài khoản đã được yêu cầu phải đăng nhập lại Facebook trên tất cả các thiết bị.
Facebook theo đó cũng đối mặt với sự ra đi của một loạt các giám đốc điều hành, có thể kể đến Jan Koum - đồng sáng lập của Whatsapp, Colin Stretch - luật sư trưởng, Kevin Systrom và Mike Krieger - hai nhà đồng sáng lập của Instagram.
Tháng 11, NYT tiết lộ về việc COO của Facebook, Sheryl Sandberg bị cáo buộc đánh lạc hướng dư luận, thực hiện chiến dịch vận động hành lang chống lại những người chỉ trích Facebook trong bê bối Cambridge Analytica.
Thêm nữa, Facebook còn gặp rắc rối lớn sau khi NYT xuất bản bài báo nói về cách các lãnh đạo công ty phản ứng trước một loạt những bê bối. Bài báo này cho hay, các nhân vật "máu mặt" của Facebook đã "bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo và tìm cách che giấu công chúng".
Trong năm nay, kịch bản lặp đi lặp lại của Facebook là: Mắc lỗi, che giấu, xin lỗi khi bị phanh phui và tiếp tục mắc lỗi.
Gần đây nhất, Facebook tiếp tục dính dáng đến một vụ việc khác liên quan đến việc cung cấp dữ liệu riêng tư của khách hàng. Theo NYT, công ty này cho phép hơn 150 công ty truy cập vào tin nhắn của người dùng. Trong đó, công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft xem được danh sách bạn bè của mọi người dùng, Netflix và Spotify đọc được tin nhắn cá nhân, Amazon, Microsoft và Sony có thể thu thập được email của người dùng. Thậm chí, Spotify, Netflix và Ngân hàng Hoàng gia Canada có thể đọc, viết và xoá tin nhắn cá nhân, xem được tất cả các thành viên trong cuộc hội thoại.
Tỷ phú mất nhiều nhất: Mark Zuckerberg
Đối mặt với cuộc "tắm máu" của thị trường chứng khoán và việc Facebook rơi vào hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, tài sản của Zuckerberg đã mất 19,8 tỷ USD tính từ năm trước tới nay, theo Bloomberg.
Năm 2018 sắp kết thúc nhưng những phản ứng dữ dội của giới đầu tư với cổ phiếu của Facebook dường như vẫn chưa ngừng. Zuckerberg, nắm giữ khoảng 13% cổ phần của công ty, có thể sẽ là tỷ phú mất nhiều nhất trong năm nay. Trên thực tế, giá trị tài sản bị mất đến gần 20 triệu USD của vị CEO này gần như tương đương với toàn bộ tài sản của Elon Musk (23,4 tỷ USD, theo Bloomberg).
Trí Thức Trẻ