BĐS "lôi kéo" được dự án tỷ đô duy nhất
BĐS "lôi kéo" được dự án tỷ đô duy nhất
Theo tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/7, cả nước có 584 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 5,2 tỷ USD, bằng 55,9% so với cùng kỳ năm 2011.
Dù vốn đăng ký sụt giảm mạnh nhưng vốn giải ngân lại xấp xỉ cùng kỳ. Trong 7 tháng đầu năm, ước tính các dự án đã giải ngân được 6,25 tỷ USD, bằng 99,2 % so với cùng kỳ năm 2011.
BĐS "ẵm" dự án tỷ đô duy nhất trong lĩnh vực FDI 7 tháng đầu năm. |
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 258 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 5,5 tỷ USD, chiếm 68,5% tổng vốn đầu tư trong 7 tháng đầu năm.
Lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ 2 với 7 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,61 tỷ USD, chiếm 20,1%.
Trong số 584 dự án được cấp mới trong 7 tháng đầu năm chỉ có duy nhất dự án dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư có vốn đăng ký 1,2 tỷ USD. Còn lại đa số là dự án có quy mô vốn vừa và nhỏ.
Đến 20/7, có 231 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 2,83 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2011.
Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 7 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 8,03 tỷ USD, bằng 66,9% so với cùng kỳ 2011.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thời gian qua, một số chính sách của Chính phủ có tác động tích cực đến thị trường BĐS như loại bỏ BĐS ra khỏi nhóm phi sản xuất, khuyến khích cho vay người mua nhà, cho vay dự án nhà cho người thu nhập thấp, Bộ Xây dựng hối thúc Chính phủ thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở... Hy vọng 3 năm tới, khi các phân khúc nhà ở cao cấp-trung bình-cho người thu nhập thấp trở nên cân bằng hơn thì thị trường sẽ có cơ hội ấm trở lại.
H.G