BĐS chờ phao cứu sinh từ quỹ tín thác
BĐS chờ phao cứu sinh từ quỹ tín thác
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cho biết, siết tín dụng cho bất động sản, khiến hàng loạt dự án làm đến 17-18 tầng buộc phải dừng lại, những dự án mới chỉ làm xong nửa móng cũng nguy cơ chết yểu vì chưa thể huy động được vốn. Nếu không được bơm vốn, bất động sản sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí nguy cơ đắp chiếu, phá sản.
Thị trường bất động sản rơi vào ế ẩm do cung lệch cầu. Ảnh minh họa: IE |
Tuy nhiên, vị DN này thừa nhận thực tế là rất khó để yêu cầu Chính phủ đổ tiền vào bất động sản, nhất là các trường hợp phục vụ đầu cơ, găm hàng tích vốn vì sẽ làm cho lạm phát ngày càng tăng cao.
Vì vậy, doanh nghiệp cần đưa ra lộ trình tự cứu mình nếu đề xuất của Bộ Xây dựng bị bác. "Quỹ tín thác, nguồn vốn trong dân cũng như sáp nhập, hợp tác đầu tư chính là những kênh rất dồi dào và cần được khai thông để tiếp sức cho thị trường bất động sản", ông Cường nhận định.
Ông Phan Thành Mai, Trưởng ban điều hành Mạng các sàn giao dịch BĐS khu vực phía Bắc khẳng định, tại TP.HCM trong thời gian qua, thống kê phân khúc bình dân có giá tầm 1000 USD /m2 thì gần như không thay đổi, trong khi các bất động sản giá khoảng trên 2000USD/m2 có giảm 20-30% so với năm 2007, đặc biệt phân khúc cao cấp giảm mạnh.
Trên thị trường Hà Nội, từ năm 2007 nay, các phân khúc khác nhau đều tăng đều 20-30% qua các năm. Tại thời điểm này dù thị trường chững lại nhưng phân khúc giá thấp cũng không hề giảm.
Theo ông Phan Thành Mai, suất đầu tư dự án trên mỗi m2 đang có khoảng cách và nhà đầu tư đang có lợi nhuận. Nếu giá có giảm xuống một chút cũng chưa ảnh hưởng lớn nhà đầu tư. Và thị trường có lúc lên, lúc chững lại cũng là điều hết sức bình thường.
Chuyên gia Trần Kim Chung (Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương), cho rằng, địa ốc Hà Nội đang vấp phải mâu thuẫn gay gắt. Trong suốt 3 năm điều chỉnh từ 2008-2010, bất động sản đang rất cần một lượng vốn đủ lớn để phục hồi và đi lên, nhưng hệ thống ngân hàng, vì mục tiêu chống lạm phát và ổn định kinh tế, đã thắt chặt tín dụng đổ vào địa ốc. Điều này dẫn đến giá thị trường giảm đáng kể, giao dịch thành công không nhiều đặc biệt là ở phân khúc chung cư đất nền.
Theo ông Chung, nếu chính sách tín dụng được nới lỏng sau tháng 7 và quỹ đầu tư bất động sản được ra đời thì thị trường có những xung lực mới, có thể giúp thị trường đi lên vào cuối năm.
Trong Đề án phát triển nhà ở đến năm 2020 do Bộ Xây dựng chắp bút và trình Thủ tướng, quỹ tín thác là loại hình đầu tư được coi như chứng khoán bất động sản, với kỳ vọng sẽ huy động nhiều nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước rót cho lĩnh vực này, đặc biệt trong thời điểm tín dụng cho vay bất động sản đang xiết chặt như hiện nay.
Tại Chỉ thị số 01, NHNN đã yêu cầu các TCTD thực hiện giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Đến 30.6.2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31.12.2011, tỷ trọng này tối đa là 16%.
Huệ Trần