Bảy cái “không” đều liên quan đến tham nhũng
Là người nêu ý kiến đầu tiên tại hội trường sáng 25/5 về NSNN năm 2011, ĐBQH Võ Thị Dung, người đã nghẹn ngào rơi nước mắt trong phần thảo luận tổ hôm trước cho rằng, ngân sách là tiền của và công sức đóng góp của nhân dân nhưng việc quản lý chưa hiệu quả, nghiêm minh. Thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn tăng, đầu tư dàn trải vẫn chưa được khắc phục.
ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng nhận định 7 cái "không" kiểm toán nêu đều có thể phát sinh tham nhũng. Ảnh LAD |
Năm 2011 có quy định chặt chẽ mua sắm công, nhưng theo báo cáo kiểm toán còn nêu có nhiều vi phạm. QH cần phải xem xét kỹ, đồng thời CP cần nói rõ những đơn vị tổ chức, cá nhân nào.
Xây dựng cơ bản tăng, nhưng ngược lại: “Giáo dục, y tế là các lĩnh vực cần chăm lo để đảm bảo an sinh xã hội nhưng chi không đạt kế hoạch đề ra, chỉ đạt 80 – 91%. Cơ quan sử dụng không đúng ngân sách cần công khai để QH và nhân dân biểu quyết” – ĐB Dung đề nghị.
Ngoài ra ĐB cũng đề nghị CP cần nói rõ vấn đề nợ công, đáng chú ý là nợ vay BHXH để giải quyết cho NSNN thì có đúng luật hay không? Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan gây thất thoát NSNN.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng – đoàn Thái Nguyên phân tích, báo cáo kiểm toán nhà nước có đánh giá mặt được trong thu chi NSNN, nhưng cũng nêu nhiều cái “không”: Ngân sách không bố trí đúng thời gian; không đủ thủ tục; không đúng cơ cấu chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; không đúng đối tượng mục tiêu; một số địa phương không thông qua HĐND cấp tỉnh… Trong 7 cái “không” được nêu ra không có cái nào không liên quan đến tham nhũng.
Báo cáo kiểm toán cũng chỉ ra không ít đơn vị hạch toán sai, không kê khai và kê khai không đầy đủ. Đầu tư xây dựng cơ bản, chỉ định thầu còn chiếm tỷ lệ cao. Việc chỉ định thầu có lẽ còn hiện tượng lạm dụng không đúng quy định, sử dụng VLXD không đúng, gây hư hỏng công trình.
ĐB Hùng đề nghị khi thảo luận về NSNN, đặc biệt về quyết toán NSNN cần được truyền hình, phát thanh trực tiếp để nhân dân được biết, giám sát việc chi tiêu NSNN như thế nào, vì đây là số tiền đóng góp của nhân dân.
Có cùng quan điểm, ĐB Bùi Sỹ Lợi – đoàn Thanh Hóa phản ánh bất cập về bố trí đầu tư dàn trải, phân bổ vốn không đảm bảo cơ cấu được giao, bố trí vốn sai nguồn, không đúng tối tượng, bố trí vốn ứng và trả nợ cơ bản chưa nghiêm… Theo ông Lợi, mức dư nợ lớn với 91 nghìn tỷ đồng trở thành nguyên nhân khiến DN khốn đốn, bởi họ tiến hành làm nhưng lại bị nợ, dẫn đến DN nợ lương, vay vốn NH… rồi dẫn đến phá sản.
“Báo cáo Chính phủ nói là tập trung kiềm chế lạm phát, nhưng chi đầu tư phát triển năm 2011 lại tăng 37%. Chính phủ cần giải trình tăng 37% nói lên cái gì? Mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô có phối hợp với chính sách tiền tệ không?” – ĐB Nguyễn Văn Phúc, đoàn Hà Tĩnh nêu chất vấn.
Giải đáp những thắc mắc của các ĐBQH, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, có một số chương trình, như chương trình mục tiêu quốc gia được đánh giá, làm đi làm lại nhiều lần nên giao dự toán chậm, một số khoản chi không thực hiện được trong năm 2011.
Về câu hỏi NSNN vay BHXH có sai luật không? Theo Phó Thủ tướng, Luật BHXH có quy định quỹ được bảo toàn tăng trưởng, được phép đầu tư để bảo toàn vốn. “CP hiện chưa cho phép đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm, gây rủi ro. Cho CP vay cũng là một hình thức đầu tư. Cho CP vay là an toàn nhất cho quỹ và đảm bảo quỹ không bị thất thoát” – ông Ninh nói.
Về nợ công, Phó Thủ tướng cho biết đến cuối năm 2011 nợ công vẫn nằm trong giới hạn được phép (65% GDP). Nợ công của chúng ta chưa đến mức này. Tới đây CP sẽ có báo cáo chi tiết hơn về nợ công.
Đối với nợ xấu, như báo cáo nêu đã xử lý kỷ luật 226 đơn vị cá nhân, số còn lại đang tiếp tục xử lý. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho biết, CP đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương nghiêm túc xử lý những sai phạm theo báo cáo nêu.