'Bầu’ Thắng sẽ thuê chuyên gia Nhật điều hành V-League
'Bầu’ Thắng sẽ thuê chuyên gia Nhật điều hành V-League
Chiều 8/3, VPF đã tổ chức cuộc họp nội bộ HĐQT của công ty tại khách sạn Kim Đô. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Võ Quốc Thắng - chủ tịch HĐQT VPF trước khi cuộc họp diễn ra.
- Có thông tin ông Nguyễn Trọng Hỷ sẽ tham dự buổi họp hôm nay của VPF, nhưng rồi lại thấy trên website của VPF phủ nhận điều này, thực hư chuyện này là như thế nào, thưa ông?
- Thực ra, khi tổ chức cuộc họp, chúng tôi rất mong muốn có đại diện của VFF, của Tổng cục Thể dục Thể thao đều tham dự. Tiếc rằng, anh Hỷ nói bận làm chủ hôn cho một người bà con nên không đến được, quả thực là rất tiếc. Đây cũng có lỗi của tôi, tôi chỉ mới mời anh ấy cách đây 4 ngày thôi, nếu báo trước sớm hơn thì có thể sắp xếp được. Dẫu sao cuộc họp hôm nay cũng có anh Phạm Ngọc Viễn và anh Lê Hùng Dũng cũng là người của VFF nên có gì hai anh ấy báo cáo lại cũng không sao. Tôi chỉ cảm thấy tiếc khi anh Hỷ không đến được.
Buổi họp cởi mở giữa các thành viên điều hành VPF |
- Ông có thể cho biết mục đích cũng như nội dung của cuộc họp HĐQT ngày hôm nay?
- Đây là cuộc họp thường kỳ của VPF, cứ 3 tháng chúng tôi lại có cuộc họp HĐQT như thế này để đánh giá những gì đã làm được và chưa làm được. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hoạt động của VPF thời gian sắp tới. Chúng tôi sẽ cố gắng hàng tháng có những cuộc trao đổi và thông báo với báo giới để tạo được kênh liên hệ thường xuyên. Ngoài ra, tôi cũng sẽ có một số đề xuất quan trọng để lấy ý kiến các cổ đông xem như thế nào.
- Ông có thể nói cụ thể hơn ?
- Vấn đề chính tôi muốn đề xuất là việc thành lập ban đạo đức để cùng tham gia vào công tác điều hành giải. Ban này sẽ hoạt động độc lập và có chức năng trong các vấn đề như bồi dưỡng đạo đức cầu thủ, trọng tài ở các đội bóng, cũng như giúp đỡ VFF trong việc xử lý kỷ luật những trường hợp vi phạm, cũng như khen thưởng những tấm gương trong bóng đá. Ban này sẽ liên hệ làm việc với Tổng cục TDTT, VFF, A83 (cục an ninh chính trị nội bộ) các vấn đề liên quan đến tư cách đạo đức của cầu thủ, trọng tài và những người tham gia giải để tránh diễn ra tình trạng tiêu cực trong thi đấu.
Trước mắt, tôi đã lên kế hoạch và đề xuất anh Nguyễn Công Khế làm trưởng của ban này, bên cạnh là anh Vinh và anh Phúc. Họ đều là những người đủ năng lực, tư cách đạo đức, sự công tâm để làm. Chỉ có điều tôi vẫn chưa biết phía anh Khế có chấp nhận hay không, nếu anh ấy đồng ý thì tốt quá. Kết quả thế nào tôi sẽ thông báo đến báo giới sau.
Bầu Thắng sẽ thuê chuyên gia Nhật điều hành V-League |
- Là người đứng đầu HĐQT của VPF, ông đánh giá như thế nào về hoạt động của VPF thời gian qua?
- VPF mới ra đời có 88 ngày thôi, và còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng tôi có một niềm tin mạnh mẽ vào tổ chức này sẽ giúp bóng đá Việt Nam đi lên. Bạn cứ nhìn bên Nhật Bản họ cũng mới thành lập công ty điều hành bóng đá năm 1993 và chỉ mất 5 năm sau họ đã có ĐTQG tham dự World Cup rồi. Có một điều tôi chưa tiết lộ với ai cả đó là tôi cũng đã liên hệ với một nhà quản lý bóng đá của Nhật Bản rất tài năng, nếu như mọi chuyện thuận lợi và cần thiết, tôi sẽ mời anh ấy sang Việt Nam giúp việc cho tôi trong công tác quản lý và điều hành.
VPF triệt để ngăn ngừa tiêu cực trong bóng đá và quyết đấu AVG VPF và Tổng cục An ninh 2 đã có sự phối hợp tăng cường phòng chống tiêu cực trong bóng đá qua Hội nghị triển khai kế hoạch bảo vệ an ninh, an toàn các giải bóng đá quốc gia vào chiều 7/3 vừa qua.
Thiếu tướng Trịnh Văn Thống đã đưa ra một danh sách “những điều cần làm ngay” với sự phối hợp chặt chẽ giữa TCAN, TCCS, VFF và VPF, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, chi tiết cho các phòng, ban, cục nghiệp vụ của A83 cũng như C45, từ sơ kết đánh giá công tác bảo vệ an ninh, an toàn từng trận đấu, vòng đấu cho đến xác định mọi biểu hiện, nghi vấn tiêu cực của trọng tài, HLV, cầu thủ để có hướng xử lý, ngăn chặn cũng như triệt phá. Về vấn đề bản quyền truyền hình, Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên tái khẳng định quyết tâm và lập trường của VPF. Một mặt, VPF hoan nghênh động thái tăng tiền bán bản quyền truyền hình và chấp nhận chia sẻ với VTV, VTC của AVG; song về lâu về dài, đó chưa phải là thỏa thuận mang đến lợi ích thiết thực cho bóng đá Việt Nam. VPF kiên quyết đấu tranh để hướng tới mục đích cuối cùng là giảm bớt thời hạn giao kèo 20 năm mà AVG đã kí với VFF, đồng thời, giúp các CLB hưởng lợi càng nhiều càng tốt từ khoản chia miếng bánh bản quyền mà các bên tranh cãi bấy lâu nay. |
THIÊN VŨ