Bầu Hiển tâm tư khi thoái vốn Bệnh viện Giao thông Vận tải
Phương án cổ phần hóa thay đổi
Sở dĩ nhà đầu tư chiến lược muốn thoái vốn là bởi theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện và hạch toán các chi phí cổ phần hóa, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải sẽ tăng từ 168 tỷ đồng lên 391,4 tỷ đồng, trong đó, phần vốn của Nhà nước khoảng 278,4 tỷ đồng, chiếm 71,12%.
Trong khi đó, tại Công văn số 157/TB-VPCP ngày 3/5/2018 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc thực hiện phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải thực hiện giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước tại Công ty sau khi điều chỉnh tăng vốn điều lệ tương ứng với phần tăng vốn nhà nước được xác định sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện.
Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của nhóm cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T sau khi Bệnh viện Giao thông Vận tải tăng vốn điều lệ sẽ giảm xuống 28,88%. Với tỷ lệ sở hữu này, nhà đầu tư chiến lược không có quyền phủ quyết và tiếng nói không có nhiều trọng lượng trong điều hành Công ty. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến T&T quyết định sẽ thoái vốn.
Một chuyên gia kinh tế nhìn nhận: “Vấn đề mấu chốt ở đây là tiến trình cổ phần hóa tại Bệnh viện Giao thông Vận tải diễn ra không đúng như cam kết ban đầu, phương án cổ phần hóa thay đổi, nhà đầu tư không được tăng tỷ lệ sở hữu, phần vốn nhà nước vẫn chiếm ưu thế”.
Theo phương án cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông Vận tải, Nhà nước nắm giữ 30% vốn điều lệ, tương ứng 5,04 triệu cổ phần; 10,52% vốn điều lệ bán ưu đãi cho người lao động; 29,48% vốn điều lệ, tương ứng 4,952 triệu cổ phần bán đấu giá công khai ra công chúng. T&T đã sở hữu hơn 5,04 triệu cổ phần, tương ứng 30% vốn điều lệ. Tuy nhiên, nội dung này đã thay đổi, Nhà nước sẽ nắm giữ hơn 71% vốn điều lệ.
Xã hội hóa y tế cần đẩy mạnh
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại biểu Quốc hội Trần Tuấn Anh (Đoàn TP.HCM) cho rằng, nếu khống chế không cho nhà đầu tư quyền quyết định (sở hữu hơn 50% vốn điều lệ) và quyền phủ quyết (hơn 36% vốn điều lệ) thì việc thu hút nhà đầu tư tham gia vào xã hội hóa đầu tư các đơn vị công lập, sự nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, Việt Nam đang muốn đẩy nhanh tiến trình này nhằm giảm áp lực nguồn lực ngân sách nhà nước để tập trung vào những lĩnh vực cần ưu tiên.
Theo ông Tuấn Anh, bệnh viện công, bệnh viện tư phát triển đan xen, cạnh tranh cả về giá cả và chất lượng dịch vụ. Người dân chấp nhận trả giá cao để được hưởng chất lượng tốt nên xã hội hóa bệnh viện công là hợp lý. Tuy nhiên, đẩy mạnh xã hội hóa nhưng khống chế tỷ lệ sở hữu khiến nhà đầu tư kém mặn mà tham gia.
“Nên cân đối dịch vụ nào xã hội hóa triệt để cho phép nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mạnh mẽ với tỷ lệ cao hơn. Nhóm đối tượng nào cần chính sách nhà nước để chăm sóc, cân nhắc dịch vụ và đối tượng để tiến hành xã hội hóa thuận lợi. Còn nếu bung ra hết để các nhà đầu tư quyết định phí dịch vụ công thì người có khó khăn về kinh tế khó tiếp cận được, an sinh xã hội sẽ không tốt. Cần cân nhắc đối tượng lựa chọn dịch vụ xã hội hóa”, ông Tuấn Anh nói.
Ngày 19/4/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về xã hội hóa đầu tư y tế và sửa đổi Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.
Theo đó, Bộ Y tế cần xây dựng chính sách đẩy mạnh xã hội hóa để có thêm nguồn lực chia sẻ với ngân sách nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao, thu hút bệnh nhân từ tuyến dưới lên tuyến trên.
Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc với các hình thức xã hội hóa đầu tư y tế theo đề nghị của Bộ Y tế, ý kiến Bộ Tài chính và ý kiến các cơ quan. Bộ Y tế rà soát lại hệ thống pháp luật hiện hành để thực hiện, trường hợp các hình thức xã hội hóa chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, bộ này nghiên cứu, đưa các đề xuất vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 85/2012/NĐ-CP.
Mô hình quản lý như doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với các đơn vị đã tự chủ hoàn toàn chi đầu tư và chi thường xuyên. Bộ Y tế chủ động phân tích cụ thể phương án thành lập Hội đồng quản lý và phương án không thành lập Hội đồng quản lý để kiến nghị mô hình quản lý phù hợp với các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ và điều kiện thực tế hiện nay của các bệnh viện, phát huy được tính tự chủ, sáng tạo của các bệnh viện, sau đó báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Bầu Hiển nói về lý do "rút lui"
Chúng tôi rất tâm huyết và cũng ấp ủ nhiều kế hoạch tham vọng khi quyết định rót vốn vào lĩnh vực y tế, trước mắt là Bệnh viện GTVT bởi đây là ngành phục vụ trực tiếp sức khỏe cho người dân. Tập đoàn đã làm việc với các nhà tư vấn Nhật Bản để xây dựng bản đề án tái cơ cấu toàn diện Bệnh viện, đào tạo, đầu tư mới theo mô hình bệnh viện chuyên nghiệp, chất lượng cao. Chúng tôi cũng đã làm việc với các bệnh viện đầu ngành như Bạch Mai, Việt Đức… để có sự hợp tác trong nguồn nhân lực, đội ngũ y bác sĩ…
Mong muốn cao nhất của chúng tôi là đầu tư xứng tầm, để tạo ra một cơ sở khám chữa bệnh chất lượng quốc tế, phần nào tạo thuận lợi cho người bệnh có thể điều trị ngay trong nước, không phải vất vả, tốn kém khi ra nước ngoài.
Vậy nhưng, với chủ trương không giảm vốn nhà nước tại Bệnh viện GTVT thì cơ cấu cổ đông của Bệnh viện là hơn 70% vốn nhà nước, gần 30% vốn của nhà đầu tư chiến lược, sẽ rất khó cho chúng tôi trong việc tham gia đầu tư thêm, tham gia quản trị Bệnh viện. Tôi từng có niềm tin mãnh liệt là khi mọi khó khăn đã được tháo gỡ, có cơ chế phân cấp, phân quyền, cơ chế thu nhập, cơ chế chuyên môn làm rõ, chắc chắn Bệnh viện sẽ thành công, nhưng cơ cấu sở hữu 70:30 không cho phép thực hiện được những điều đó.
Cũng sẽ rất khó cho Bệnh viện vì việc cổ phần hóa như vậy đồng nghĩa với mỗi năm Bệnh viện sẽ bị cắt hàng chục tỷ đồng kinh phí hỗ trợ hoạt động. Bởi vậy, dù rất trăn trở nhưng chúng tôi đã phải quyết định đề xuất với Chính phủ cho thoái vốn tại đây.
Nguồn:Hải Yến/baodautu.vn