Bầu Đức nợ trăm tỷ mua máy bay mới
Nếu không tính trường hợp của "công tử Bạc Liêu" Trần Trinh Huy thì Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức (“bầu” Đức), sẽ là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay riêng, bằng việc bỏ ra 5,1 triệu USD mua chiếc máy bay cánh quạt hạng nhẹ Beechcraft King Air 350 vào năm 2008.
Đầu năm 2015, vị doanh nhân giàu có này lại thêm một lần nữa khiến công chúng mắt tròn mắt dẹt bằng việc “nâng đời” lên phi cơ phản lực Legacy 600 xịn hơn, đắt hơn.
"Bầu" Đức và chiếc chuyên cơ "hàng thửa". |
Chiếc máy bay này theo tiết lộ của nguồn tin thân cận đã được bầu Đức đặt mua từ năm 2010, thiết kế nội thất đặt riêng và dự kiến bàn giao chậm nhất vào năm 2012, nhưng vì nhiều lý do, kế hoạch đã bị chậm trễ đến 3 năm sau.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VietTimes, xét về mặt pháp lý, cả ông Đoàn Nguyên Đức và Hoàng Anh Gia Lai đều không phải là chủ sở hữu của chiếc Legacy 600, mà chỉ thực hiện thuê mua (thuê sau một thời gian mới được chuyển quyền sở hữu) lại của một công ty dịch vụ bay có trụ sở tại Tp. HCM theo một hợp đồng ủy thác đầu tư được ký vào ngày 8 tháng 10 năm 2014.
Công ty dịch vụ bay đó là Công ty Cổ phần Hàng Không Lưỡng Dụng Ngôi Sao Việt - Vietstar Airlines, một Công ty hàng không có chức năng vận chuyển hành khách - hàng hóa, sửa chữa – bảo dưỡng máy bay, cung ứng xăng dầu hàng không và đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành hàng không, được thành lập ngày 27 tháng 04 năm 2010.
Vietstar Airlines, theo giới thiệu, là một đơn vị kinh tế thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc Phòng.
Legacy 600 là loại phản lực tầm trung dành cho thương gia, có thể chở 13 người, buồng lái có 3 chỗ dành cho phi hành đoàn, thân dài 26,33 m, sải cánh 21,17 m, vận tốc cực đại 834 km/h.
“Bước đi vòng” qua Vietstar Airlines có thể được hiểu là do các vấn đề về sở hữu và quản lý phương tiện bay cá nhân tại Việt Nam hiện nay; Còn trong tương lai, “ông Đoàn Nguyên Đức sẽ trở thành chủ sở hữu chiếc máy bay và có quyền khai thác cũng như quyền sử dụng máy bay theo quy định của pháp luật” – Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết trong một tài liệu.
Về mức giá chính thức của chiếc Legacy 600 mà ông Đoàn Nguyên Đức đang sử dụng, nhiều tờ báo cho rằng nó có giá đến 27,5 triệu USD, căn cứ vào giá chào mà một công ty hàng không đã đưa ra cho thị trường Việt Nam vào năm 2010. Tuy nhiên, thông tin trên trang Controller.com cho thấy, dòng máy bay Legacy 600, nếu đã qua sử dụng, chỉ được chào trong khoảng từ 6,5-12,9 triệu USD một chiếc tùy theo đời (cũ hay mới) và số giờ bay.
Một vấn đề khác cũng được công chúng hết sức quan tâm là số tiền mua (thực chất là thuê mua) chiếc Legacy 600 là tiền túi của cá nhân ông Đức hay là tiền của cả Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (?). Bởi xét cho cùng, ông Đức cũng chỉ là một cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai.
Theo tìm hiểu của VietTimes, hiện thời, số tiền thuê mua chiếc máy bay từ công ty Vietstar Airlines vẫn do Hoàng Anh Gia Lai đứng ra chi trả. Nhưng sau này ông Đức sẽ phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho Tập đoàn.
Hiện, bộ phận kế toán của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang hạch toán khoản phải thu ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT – liên quan đến việc thuê mua chiếc Legacy 600 vào tải khoản Phải thu khác, tiểu khoản Phải thu hợp đồng ủy thác.
Tính đến cuối quý III/2015, số phải thu “bầu” Đức đã lên đến 108,5 tỷ đồng, phản ánh khoản tiền đặt cọc và chi phí thuê máy bay phải trả cho Vietstar Airlines.
Tuy nhiên, vì vẫn được hạch toán vào Phải thu khác nên nhiều khả năng khoản tiền trăm tỷ mà Hoàng Anh Gia Lai đã ứng ra để thuê máy bay cho ông Đoàn Nguyên Đức cũng không được tính lãi.
Theo VietTimes