Bất ngờ với những chủ nợ "tí hon" của nước Mỹ
Business Insider đã có bài viết tổng hợp và video thống kê các chủ nợ của Mỹ. Cụ thể, trong số 19,9 nghìn tỷ USD tổng nợ quốc gia, thì số tiền chính phủ Hoa Kỳ nợ chính người dân trong nước và các cơ quan chính quyền chiếm tới hơn 12 nghìn tỷ USD. Số còn lại, Washington vay mượn từ một số cường quốc khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ireland, Brazil, Thụy Sỹ…
Đứng thứ nhất trong danh sách các chủ nợ nước ngoài của Mỹ là Trung Quốc, với 1,5 nghìn tỷ USD. Kể từ năm 2010, Bắc Kinh đã duy trì khoản tiền hơn 1 nghìn tỷ USD cho Washington vay nợ và dần dần vượt qua Tokyo để trở thành nước nắm giữ khoản nợ khổng lồ của nền kinh tế số một thế giới.
Tại sao Trung Quốc lại trở thành chủ nợ số 1 của Mỹ?
Theo các chuyên gia kinh tế, Bắc Kinh còn hơn cả hạnh phúc khi sở hữu gần 1/3 khoản nợ nước ngoài của Washington. Việc nắm trong tay các trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ giúp nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh, mạnh bằng cách giữ cho đồng nhân dân tệ của nước này yếu hơn đồng đô-la Mỹ. Do đó, các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ rẻ hơn các sản phẩm của Hoa Kỳ. Ưu tiên lớn nhất của Bắc Kinh chính là tạo đủ việc làm cho dân số hơn 1,4 tỷ người của mình.
Ngoài ra, Mỹ cho phép Trung Quốc trở thành một trong những chủ nợ lớn nhất là bởi vì người dân Mỹ muốn có được giá cả tiêu dùng thấp. Việc bán nợ cho Bắc Kinh sẽ tạo quỹ cho nhiều chương trình của chính phủ liên bang, và giúp nền kinh tế Mỹ phát triển. Việc này cũng giữ cho tỷ lệ lãi xuất của Hoa Kỳ ở mức thấp.
Trung Quốc là nước sở hữu khoản nợ lớn nhất của Hoa Kỳ. Nguồn: tranh biếm họa của Lyallrussell |
Trung Quốc luôn muốn đảm bảo rằng đồng nhân dân tệ của nước này phải thấp hơn đồng USD, bởi vì một phần chiến lược kinh tế của Bắc Kinh là giữ cho giá hàng xuất khẩu ở mức cạnh tranh nhất. Trung Quốc làm điều này bằng cách giữ cho đồng nhân dân tệ ở một tỷ giá cố định so với “giỏ tiền tệ” mà đồng USD là loại tiền giao dịch chính.
Khi đồng USD rớt giá, chính phủ Trung Quốc sẽ sử dụng lượng USD mà mình có trong tay để mua các tài sản tích lũy. Số ngoại tệ này nhận được từ các công ty Trung Quốc trong quá trình thanh toán hàng hóa xuất khẩu.
Vị trí là chủ nợ lớn nhất của Mỹ cũng giúp Trung Quốc có được một số lợi thế chính trị nhất định. Bắc Kinh từng dọa sẽ bán một phần các khoản nợ của Washington mà nước này đang nắm giữ. Nếu như vậy, tỷ lệ lãi uất của Mỹ sẽ tăng và làm chậm tiến trình tăng trưởng của nền kinh tế.
Trung Quốc cũng thường xuyên kêu gọi hình thành một đồng tiền quốc tế mới thay thế cho đồng USD, vốn được dùng trong hầu hết các giao dịch quốc tế. Bắc Kinh làm như vậy cho đến khi Washington đồng ý điều chỉnh giá trị của đồng USD theo chiều hướng giảm. Điều đó sẽ giúp cho các khoản nợ mà Trung Quốc đang nắm giữ sẽ giảm giá trị.
Có thể nói, chính sách cạnh tranh giá thấp của Trung Quốc đã có hiệu quả. Nền kinh tế Bắc Kinh tăng trưởng ở mức 10% mỗi năm trong hơn ba thập kỷ trước khi bước vào giai đoạn suy thoái. Hiện, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là khoảng 7%, một tỷ lệ ổn định hơn. Bắc Kinh cũng đang dần hướng đến vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới, sắp vượt mặt Hoa Kỳ, và đã bỏ xa Nhật Bản và châu Âu.
Những chủ nợ khác của Mỹ
Đứng thứ nhất trong khoản nợ 19,9 nghìn tỷ USD và hơn thế nữa của Hoa Kỳ tính đến hết năm 2016 chính là bản thân nước Mỹ. Cụ thể, Nhà Trắng đang nợ của những người dân, các chính quyền địa phương và liên bang, tiền trợ cấp, các quỹ và tiền dự trữ liên bang khoảng 12,9 nghìn tỷ USD.
Đứng thứ hai là Trung Quốc với 1,5 nghìn tỷ USD. Tiếp theo là Nhật Bản với 1,3 nghìn tỷ; Tokyo từng là chủ nợ lớn nhất của Washington năm 2015.
Khoản nợ quốc gia của Hoa Kỳ đã vượt ngưỡng 19 nghìn tỷ USD. Trung bình, mỗi người dân phải gánh hơn 58.000 USD tiền nợ. Nguồn: Time |
Thứ tư là Ireland với khoản nợ 270 tỷ USD. Số tiền mà Mỹ nợ Ireland còn nhiều hơn cả quy mô nền kinh tế quốc gia nhỏ bé này vốn chỉ sản sinh khoảng 230 tỷ USD mỗi năm.
Thứ năm là quần đảo Cayman, 262 tỷ USD. 60% tài sản quỹ đầu tư thanh khoản của thế giới được đặt tại quần đảo Cayman, đây là vùng lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, nằm ở phía Tây vùng biển Caribe.
Tiếp theo, Mỹ nợ Brazil 258 tỷ USD. Trước đó, vào tháng 3/2016, Brazil đã bán 1 tỷ USD trái phiếu tài chính Mỹ. Thứ 7 là Thụy Sỹ với 240 tỷ USD, đây là quốc gia đứng đầu thế giới trong lĩnh vực quản lý tài sản xuyên biên giới, với 28% cổ phần trong thị trường này.
Thứ 8 là Luxembourg, 227 tỷ USD, tiếp theo là Vương quốc Anh với số tiền 217 tỷ USD. Đứng cuối cùng trong top 10 là Hong Kong, 189 tỷ USD, dù đây là một thành phố thuộc Trung Quốc nhưng Hong Kong được xem là một đặc khu hành chính riêng.
Video những "chủ nợ" lớn nhất của Mỹ (Nguồn: Business Insider)