Bất động sản phía Tây Nam TP.HCM khởi sắc nhờ hạ tầng
Lợi thế hạ tầng
Lý giải về sức hút của quận đối với các nhà đầu tư bất động sản trong thời gian qua, ông Lê Quỳnh Đài, Phó chủ tịch UBND quận 8, TP.HCM cho biết, trong những năm qua, nỗ lực chỉnh trang, cải thiện chất lượng môi trường sống cho người dân đã đem lại cho quận 8 diện mạo đô thị khởi sắc.
Các dự án nhà ở được đầu tư bài bản, đồng bộ về hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội đã biến quận 8 thành môi trường đáng sống cho người dân, thị trường bất động sản từ đó cũng trở nên sôi động.
Sức thu hút của quận 8 phải kể đến đầu tiên là dự án xây dựng cây cầu Bình Tiên bắc qua kênh Tàu Hủ và kênh Đôi, góp phần giảm áp lực giao thông trên đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh và giảm quá tải cho cầu Chà Và.
Hiện UBND TP.HCM đã giao UBND quận 6, quận 8 và huyện Bình Chánh thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên.
Ông Lê Quỳnh Đài cho biết thêm, hiện quận đang hoàn thành các thủ tục giải phóng mặt bằng, chuẩn bị công tác bồi thường và đã có báo cáo vào tháng 6/2018 sẽ tiến hành khởi công xây dựng cây cầu này. Theo dự kiến trong khoảng 18 tháng thì cây cầu hoàn thành đi vào sử dụng.
Cũng theo ông Lê Quỳnh Đài, hiện, các phương tiện lưu thông từ khu trung tâm ra các khu đô thị phía Nam, TP.HCM, đi theo các trục cầu, đường Nguyễn Tri Phương, Quốc lộ 50, các cầu chữ Y, Chà Và, Nhị Thiên Đường…
Tuy nhiên, những năm qua do tốc độ đô thị hóa rất nhanh tại khu vực phía Nam đã gây ra ùn tắc trên các cây cầu và tuyến đường từ khu Nam vào trung tâm thành phố. Sau khi hoàn thành, dự án cầu đường Bình Tiên sẽ giải quyết tình hình ùn tắc giao thông hướng đi từ trung tâm TP.HCM qua quận 8, đường Nguyễn Văn Linh để đi Quốc lộ 1A đến các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cơ chế mở “hút” nhà đầu tư
Trước đó, theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương tiếp tục thực hiện các thủ tục và triển khai đầu tư dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên theo hình thức Hợp đồng BT. Hiện dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên do 4 nhà đầu tư thực hiện theo hình thức hợp đồng BT.
Đoạn 1, xây cầu, đường Bình Tiên đoạn từ đường Phạm Văn Chí, quận 6 đến Tạ Quang Bửu, quận 8, dài khoảng 1.413 mét (gồm cầu Bình Tiên và hai nhánh cầu) do liên danh Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất xây dựng Đông Mê Kông và Tổng Công ty 319 làm chủ đầu tư, với tổng vốn khoảng 2.604 tỉ đồng.
Đoạn 2, từ đường Tạ Quang Bửu (quận 8) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) với chiều dài gần 1.805 m do Liên danh Công ty cổ phần Licogi 16 và Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh-BCCI đầu tư khoảng 903 tỉ đồng.
HĐND TP.HCM vừa thông qua nghị quyết thực hiện cơ chế đặc thù để phát triển thành phố. Trong nghị quyết này, UBND TP.HCM sẽ vận dụng mọi cơ chế, chính sách để kêu gọi nguồn lực xã hội thực hiện thành công chủ trương chỉnh trang đô thị, trong đó có việc di dời nhà ở ven kênh rạch mà trọng tâm là quận 8.
Theo ông Lê Quỳnh Đài, nhờ chính sách của thành phố về phát triển mạnh mẽ của hạ tầng khu vực, cộng với chính sách cải tạo nhà ven kênh rạch đang được quan tâm đầu tư, khu vực quận 8 đang trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư bất động sản cũng như người mua nhà. Nhất là hiện nay, những dự án nhà ở có hướng sông đang là xu thế nên những khu vực này được các doanh nghiệp địa ốc săn đón.
“Bờ Bắc Kênh Đôi sử dụng vốn ngân sách thành phố để di dời khoảng 1.000 căn nhà, hiện giờ ban bồi thường đang lập các hồ sơ, dự kiến trong quý 3-2018 sẽ hoàn tất hồ sơ để bồi thường cho bà con sống ở đây. Còn bờ Nam Kênh Đôi sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách thì sử dụng nguồn vốn vận động xã hội hóa. Dự kiến trong tháng 1/2018, UBND TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư đối với các dự án di dời nhà trên sông kênh rạch, chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố trong đó chủ yếu là khu vực bờ Nam Kênh Đôi, quận 8 với hơn 5.000 căn”, ông Đài thông tin.
Theo lãnh đạo quận 8, không có địa phương nào của thành phố được thiên nhiên ban tặng cho 23 kênh rạch lớn nhỏ như tại quận 8. Cụ thể như: kênh Đôi, kênh Bến Nghé, kênh Tàu Hũ, rạch Ông Lớn, Ông Nhỏ, Xóm Củi, Ông Nhã, Ruột Ngựa, Rạch Cát, Bà Tàng, Lòng Đèn, Rạch Cùng, Lò Gốm, rồi kênh Ngang số 1, kênh Ngang số 2, kênh Ngang...
Điều này đem tới môi trường sống xanh gần sông cho dân cư mà các quận khác khó có được. Đó là chưa kể, quận 8 còn được biết đến như một trung tâm đầu mối tập trung hàng hóa, nông sản từ miền Đông, miền Tây với các kho tàng, bến bãi, chợ đầu mối lớn…
Từ vị thế trung chuyển trọng yếu đó, UBND quận 8 cho biết sẽ tiếp tục có các chương trình khuyến khích thu hút nhà đầu tư để tận dụng triệt để tiềm năng, phát huy các thế mạnh của quận, thay đổi diện mạo đô thị TP.HCM.