"Bắt bài" DN nội khai gian thuế
"Bắt bài" DN nội khai gian thuế
Nhận định này được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đưa ra tại Hội nghị Chống thất thu và nợ đọng thuế do Tổng cục thuế tổ chức sáng 1/3 tại Hà Nội.
Tình trạng chuyển giá lan sang cả các DN, tập đoàn kinh tế trong nước |
Số liệu tổng kết của Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) cho thấy, đến 31/12/2011 toàn ngành thuế đã rà soát quản lý được 3.144 DN phải kê khai thông tin giao dịch liên kết, trong đó 2.023 DN đã thực hiện kê khai, chiếm khoảng 64%.
Tuy nhiên, hiện tượng các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kê khai lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số DN FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó nhiều DN kê khai lỗ liên tục 3 năm. Điển hình là tại một số địa phương như Bình Dương, số DN FDI kê khai lỗ năm 2010 là 754/1.490 DN (tương đương 50,6% trong đó có tới 200 DN lỗ quá số vốn chủ sở hữu); TP.HCM và Đồng Nai tỷ lệ này lần lượt là 60% và 52,2%.
Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Tài chính, mục đích của chuyển giá là để DN tối đa hóa lợi nhuận để giảm nghĩa vụ đối với NSNN. Các hình thức chuyển giá rất đa dạng: chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản vô hình giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chuyển giao dịch vụ giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh giữa các bên liên kết.
Nan giải hơn, "căn bệnh" chuyển giá không những dịu bớt, nay còn "lan" sang cả các DN trong nước. Lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, các tập đoàn kinh tế trong nước thành lập một số công ty con hoạt động trong lĩnh vực và địa bàn khác nhau, trong đó có những lĩnh vực, địa bàn được ưu đai thuế TNDN. Từ đó tìm cách chuyển lợi nhuận trước thuế từ DN không được ưu đãi thuế sang DN liên kết được ưu đãi thuế hoặc chuyển lợi nhuận trước thuế từ DN có lãi sang DN bị lỗ thông qua giá chuyển giao sản phẩm và cung cấp dịch vụ giữa các bên để giảm thiểu nghĩa vụ thuế tổng hợp của toàn tập đoàn.
Đơn cử, các DN khai thác than tại Quảng Ninh, giá bán than là 800 triệu đồng/tấn, nhưng chỉ khai thuế tài nguyên bằng ½ giá bán - 400 triệu đồng/tấn. Hay như trong lĩnh vực dịch vụ, giá cho thuê khách sạn là 100 USD/phòng thì các khách sạn chỉ khai với cơ quan thuế 30-40 USD/phòng là cùng. Bằng thủ đoạn chuyển giá cho các công ty lữ hành, các khách sạn đã "lách" được một khoản thuế đáng kể.
Hay như vấn đề thu phí gửi xe ô tô mà mới đây báo chí phản ánh. Có nơi DN khai thu 800.000 đồng/tháng/xe, có nơi lại tận thu tới 1,8 triệu đồng/tháng/xe. Khoản chênh lệch này vào túi ai hay lại rơi vào chính tay DN? Động cơ trốn thuế của DN khá rõ, khi bằng thủ đoạn thông qua 1 công ty dịch vụ, DN "mẹ" kê khai không chính xác giá thu của người dân với cơ quan thuế...
"Cách lách thuế của các DN rất tinh vi, thường là thành lập nhiều công ty con: một công ty chuyên khai thác, một chuyên lưu thông. Bằng những thủ đoạn này, ngành thuế ngoài bị thất thu thuế nộp vào NSNN do sự mua đi bán lại của DN, mà còn thất thu luôn cả thuế TNDN" – ông Tuấn nhận định.
Chống thất thu và nợ đọng thuế từ hoạt động chuyển giá, Thứ trưởng Anh Tuấn nhấn mạnh ba quyết sách mà ngành thuế phải triển khai ngay trong năm 2012, thứ nhất là bổ sung cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp tính giá (APA) trong Luật Quản lý thuế để cố gắng xử lý những tồn đọng cơ bản. Kế đến là tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu tìm ra đối tượng bất thường để thanh, kiểm tra. Thông qua đó, xem xét xử lý kết quả thanh tra để răn đe, làm gương cho DN khác. "Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ ra chỉ thị về chống thất thu và nợ đọng thuế qua chuyển giá" – Thứ trưởng Anh Tuấn khẳng định.
Bổ sung thêm, ông Cao Anh Tuấn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, năm 2012 Tổng cục Thuế sẽ thanh tra tối thiểu 1,5% số DN đang quản lý thuế, tương ứng 7.802 DN/ tháng và 12,5% số DN, tương ứng 56.496 DN/quý. Tăng cường hoạt động giám sát, toàn ngành phấn đấu năm 2012, tổng số tiền nợ động thuế/tổng thu NSNN không quá 5%...
Thu Hoài